Search
Close this search box.
Search
Close this search box.

4 Kiểu Phản Ứng Điển Hình Khi Cơ Thể Đứng Trước Căng Thẳng

Facebook
Twitter
Email
Nếu để ý kỹ, bạn sẽ nhận thấy rằng khi gặp phải trạng thái lo lắng hay căng thẳng, mỗi người lại lựa chọn một cách thức phản ứng khác nhau. Điều này được biểu hiện tùy theo mức độ nghiêm trọng và áp lực của sự việc, kết hợp cùng đặc điểm tính cách bẩm sinh của từng cá nhân. Dưới đây là 4 động thái điển hình thường gặp trong tình thế căng thẳng cấp tính.
Phân tích cơ chế hoạt động của trạng thái căng thẳng

Khi ‘giáp mặt’ với các tình huống nguy cấp, não bộ sẽ nhanh chóng truyền đi tín hiệu cảnh báo, qua đó yêu cầu những bộ phận khác kích hoạt tư thế ứng phó phù hợp. Quá trình này không chỉ tác động trực tiếp tới hệ thần kinh mà còn kích thích tuyến thượng thận tiết ra các loại hormon như cortisol, noradrenalin và adrenalin, giúp môi trường nội sinh luôn được duy trì ở trạng thái ổn định. Đó cũng là nguyên nhân khiến nhịp thở và nhịp tim tăng nhanh, vã mồ hôi, thở gấp,…

Các khuôn mẫu phản ứng chính là nhân tố bảo vệ cực kỳ quan trọng đối với con người

Mặt khác, việc bộ não tập trung cao độ vào ‘mối nguy’ sẽ phần nào làm cho hoạt động của các vùng não đảm nhận chức năng quan sát, suy nghĩ và sử dụng ngôn ngữ bị chậm lại đáng kể. Dù có vẻ hơi bản năng và nóng vội song trên thực tế, khuôn mẫu phản ứng này chính là nhân tố bảo vệ cực kỳ quan trọng, giúp con người dự đoán trước các tình huống nguy hiểm cũng như giảm thiểu tổn hại ở mức tối đa.

Phản ứng 1: Chiến đấu (Fight)

Đúng như nghĩa đen, Fight là phản ứng phổ biến xuất hiện khi ai đó buộc phải đối diện và ‘chiến đấu’ trực diện với tác nhân gây căng thẳng. Một vài giả thuyết tâm lý học còn cho rằng, nguồn gốc khởi phát nên cơ chế này nằm ở niềm tin vô thức của con người về mối liên kết hai chiều giữa quyền lực với tình yêu, sự an toàn và được công nhận. Hành vi đáp trả lại mối nguy có thể xảy ra dưới nhiều hình thức và mức độ, thậm chí chuyển đổi thành thái độ quá khích, bạo lực,…

Fight xuất hiện khi phải đối diện và ‘chiến đấu’ với tác nhân gây căng thẳng

Một số biểu hiện tiêu biểu của phản ứng Fight gồm:

– Về thể chất: Người nóng ran, nắm chặt bàn tay, nghiến răng, đau bụng, toát mồ hôi hột,…

– Lớn tiếng, nổi cáu, mắng mỏ, la hét, dùng ngôn từ để trêu chọc, chế giễu người khác

– Nảy sinh suy nghĩ làm hại người khác hoặc tự hại chính mình để giải tỏa

– Thực hiện các hành động vật lý như đấm, đá, tát hoặc quăng, ném, đập vỡ vật dụng, đồ đạc xung quanh

– Lắng nghe ‘chọn lọc’ và diễn giải mọi thứ theo góc nhìn của mình

– Có xu hướng cảm thấy xấu hổ vì đã bộc phát sự khó chịu, tức giận ra ngoài

Phản ứng 2: Bỏ chạy (Flight)

Sau khi xem xét tình hình, bộ não sẽ tiến hành xác định xem cơ thể có khả năng đối phó và vượt qua tình thế cấp bách hay không. Nếu gặp phải diễn biến quá bất lợi, nó sẽ bắt đầu thực hiện một số điều chỉnh nhất định nhằm khiến bạn tách rời khỏi tình huống hoặc tạm thời quên đi.

Trì hoãn là một phản ứng thoát ly thường gặp khi căng thẳng

Cơ chế phản ứng nói trên còn được gọi là ‘thoát ly thực tại’, thường biểu hiện dưới dạng:

– Trì hoãn hoặc làm việc trong tâm thế vội vã, luống cuống

– Đi du lịch hoặc bỏ nhà đi khi việc đang ‘ngập đầu’

– Phớt lờ (ghost) người khác và nói không/ né tránh các mối quan hệ chắc chắn, có tính cam kết lâu dài

– Mơ hồ, khó tập trung hoặc dễ bị phân tâm đến chuyện khác

– Vùi đầu vào công việc hoặc tập luyện quá mức để đánh lạc hướng tâm trí

– Cơ thể bứt rứt, bồn chồn, buộc phải di chuyển liên tục

Phản ứng 3: Đóng băng (Freeze)

Chế độ đóng băng sẽ được kích khởi khi chủ thể mong muốn tạm ngưng quá trình tương tác, tiếp nhận – phản hồi hoặc cố gắng kìm nén, nhấn chìm nỗi bất an, khó chịu bên trong. Một trong những biểu hiện cơ bản nhất của trạng thái Freeze là tê liệt cảm xúc, thường xuất hiện trước những cú shock nghiêm trọng (như vượt qua tình huống nguy hiểm tính mạng, bị tấn công, mất người thân,…).

Phản ứng đóng băng khiến chúng ta bị ‘đơ’ trước sự tấn công bằng ngôn ngữ

Hiểu một cách đơn giản, tâm trí và cơ thể ta sẽ ‘đóng băng’ để tự vệ, tránh bị ảnh hưởng bởi các tình huống bất lợi. Biểu hiện vật lý tiêu biểu gồm:

– Cơ thể căng cứng, có cảm giác tê liệt, nặng nề, chóng mặt hoặc ngất xỉu

– Da mặt nhợt nhạt, xanh tái, trắng bệch

– Khó thở, giảm nhịp tim

– Đầu óc trống rỗng, khó suy nghĩ tuần tự, logic

– Không có suy nghĩ hay phản ứng gì trước lời miệt thị, xúc phạm, mắng chửi

Phản ứng 4: Xu nịnh (Fawn)

Phản ứng xu nịnh được hiểu là hành vi cố gắng làm hài lòng người khác, kể cả ‘kẻ gây hại’ nhằm mục đích bảo vệ bản thân. Khác với những cơ chế mang tính bẩm sinh, Fawn là động thái tự vệ có thể học được và tích lũy qua nhiều kinh nghiệm. Điều này chủ yếu xảy ra ở những đứa trẻ có cha mẹ ái kỷ, bị phớt lờ hoặc ngược đãi.

Làm hài lòng người khác là ‘khiên chắn an toàn’ để bảo vệ bản thân khỏi căng thẳng

Fawn thường được sử dụng như một ‘khiên chắn an toàn’, với các biểu hiện tiêu biểu như sau:

– Không có chính kiến, không có khả năng tự quyết định hoặc phụ thuộc quá mức vào người khác

– Không biết/ không thể từ chối các yêu cầu của đối phương

– Luôn nhận lỗi về phía mình hoặc cho qua để tránh ‘chọc giận’ người khác

– Cắt xén/ không dành thời gian cho bản thân

– Không đưa ra bất cứ giới hạn và ranh giới cá nhân nào

– Cố tỏ ra vui vẻ, tích cực hoặc hùa theo ai đó dù không thực sự mong muốn

Xét về mặt bản chất, căng thẳng chỉ là một phản ứng tự vệ bản năng tồn tại ở tất cả mọi người. Thế nhưng, mỗi chúng ta đều cần phải học cách điều chỉnh và kiểm soát phù hợp để tránh xảy ra các tình huống phát sinh ngoài ý muốn.

Huyền Long

Facebook
Twitter
Email

Có thể bạn quan tâm