Trong những năm qua, sự phát triển mạnh mẽ của màn hình kỹ thuật số đã kéo theo việc ngày càng nhiều các thiết bị điện tử như điện thoại thông minh, máy tính bảng, laptop hay ti vi sử dụng công nghệ đèn nền LED để tăng cường độ sáng cũng như mức độ rõ nét cho màn hình. Tất cả những thiết bị này không ngừng phát ra ánh sáng nguy hiểm được gọi là ánh sáng xanh. Vậy liệu rằng, tất cả ánh sáng xanh đều có thể gây hại cho chúng ta hay không?
Ánh sáng xanh từ màn hình các thiết bị điện tử.
Ánh sáng xanh là một phần của quang phổ ánh sáng có thể nhìn thấy được hay những gì mắt người có thể nhìn thấy. Rung động trong phạm vi 380 đến 500 nanomet, nó có bước sóng ngắn nhất và mang năng lượng cao nhất. Khoảng một phần ba tổng số ánh sáng nhìn thấy, được coi là ánh sáng có thể nhìn thấy, mang năng lượng cao, hay ánh sáng “xanh lam”. Ánh sáng mặt trời là nguồn ánh sáng xanh quan trọng nhất. Các nguồn nhân tạo của ánh sáng xanh bao gồm bóng đèn huỳnh quang, bóng đèn huỳnh quang compact (CFL), đèn LED, TV LED màn hình phẳng, màn hình máy tính, điện thoại thông minh và màn hình máy tính bảng.
Mức độ tiếp xúc với ánh sáng xanh từ màn hình là nhỏ so với lượng tiếp xúc từ mặt trời. Tuy nhiên, người ta lo ngại về ảnh hưởng lâu dài của việc tiếp xúc với màn hình, đặc biệt là với thời gian sử dụng quá nhiều với mức độ thường xuyên và đặc biệt là tiếp xúc với một khoảng cách quá gần. Các nhà khoa học cho biết họ đã tìm ra tác hại của ánh sáng xanh từ điện thoại thông minh, máy tính xách tay hay các thiết bị kỹ thuật số khác tác động xấu đến thị lực và có thể làm tăng tốc độ mù lòa. Nghiên cứu của Đại học Toledo ở Mỹ đã tiết lộ rằng việc tiếp xúc lâu dài với ánh sáng xanh sẽ kích hoạt các phân tử độc hại được tạo ra trong các tế bào nhạy cảm với ánh sáng của mắt, có thể gây thoái hóa điểm vàng – một tình trạng không thể chữa khỏi, tác động xấu đến thị lực. Ánh sáng xanh lam, có bước sóng ngắn hơn và nhiều năng lượng hơn so với các màu khác, dần dần có thể gây hại cho mắt.
Tiến sĩ Ajith Karunarathne, một trợ lý giáo sư tại khoa hóa và sinh hóa của trường đại học, cho biết: “Chúng ta đang tiếp xúc với ánh sáng xanh liên tục, giác mạc và thủy tinh thể của mắt không thể ngăn chặn hoặc phản xạ nó. Không có gì bí mật khi ánh sáng xanh gây hại đến thị lực của chúng ta bằng cách làm hỏng võng mạc của mắt. Các thí nghiệm của chúng tôi giải thích cách điều này xảy ra và chúng tôi hy vọng điều này dẫn đến các liệu pháp làm chậm quá trình thoái hóa điểm vàng”. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng việc tiếp xúc với ánh sáng xanh khiến võng mạc tạo ra một chuỗi phản ứng dẫn đến các phân tử độc hại được tạo ra trong các tế bào thụ cảm ánh sáng.
Ảnh hưởng của ánh sáng xanh lên điểm vàng của mắt
Kasun Ratnayake, một nghiên cứu sinh tại Đại học Toledo, người tham gia nghiên cứu, cho biết: “Nếu bạn chiếu trực tiếp ánh sáng xanh vào võng mạc, võng mạc sẽ giết chết các tế bào thụ cảm ánh sáng khi phân tử truyền tín hiệu trên màng phân giải”. Ngoài ra, việc đưa các phân tử võng mạc vào các loại tế bào khác trong cơ thể, chẳng hạn như tế bào ung thư, tế bào tim và tế bào thần kinh, cũng khiến chúng chết đi khi tiếp xúc với ánh sáng xanh.
Tiến sĩ Ajith Karunarathne cho biết: “Độc tính do ánh sáng xanh tạo ra trên võng mạc là phổ biến. Nó có thể giết chết bất kỳ loại tế bào nào ”. Đối với những người muốn bảo vệ mắt khỏi ánh sáng xanh, Tiến sĩ Karunarathne khuyến cáo nên đeo các loại kính râm có thể lọc cả tia UV và ánh sáng xanh bên ngoài, tránh duyệt điện thoại di động hoặc máy tính bảng trong bóng tối.
Tuy nhiên, không phải tất cả ánh sáng xanh đều là xấu, một số tiếp xúc với ánh sáng xanh lại là điều cần thiết cho sức khoẻ tốt. Ánh sáng xanh giúp tăng cường sự tỉnh táo, giúp trí nhớ và chức năng nhận thức, cũng như cải thiện tâm trạng. Đặc biệt ánh sáng xanh tự nhiên là một phần không thể thiếu đối với con người, nó giúp điều chỉnh nhịp sinh học, chu kỳ thức và ngủ tự nhiên của cơ thể diễn ra một cách điều độ, khoa học và khỏe mạnh. Ngoài ra, nguồn ánh sáng xanh tự nhiên này còn đóng một vai trò rất quan trọng đối với sự tăng trưởng và phát triển thị lực ở trẻ em, việc tiếp xúc không đủ với ánh sáng xanh cũng có thể góp phần vào sự gia tăng gần đây của các bệnh lý về cận thị và loạn thị.
Tất cả mọi thứ đều có mặt lợi và hại của nó. Ánh sáng xanh tự nhiên có thể tạo cho chúng ta bầu trời xanh để có thể nhìn ngắm mỗi ngày, nhưng nếu tiếp xúc với mật độ lâu dài nguồn ánh sáng từ màn hình, có thể sẽ gây nên nhiều tác hại khó lường. Vì vậy, cần cân nhắc thời lượng khi sử dụng những thiết bị thông minh, hãy cho đôi mắt chúng ta được nghỉ ngơi đúng thời điểm, khi cảm thấy đôi mắt đã mỏi mệt, dừng ngay thiết bị đang sử dụng lại, đôi mắt có thể sẽ được phục hồi ở tình trạng tốt hơn. Ngoài ra, việc trang bị các loại kính có khả năng lọc được ánh sáng xanh, với những công nghệ mới, hiện đại có thể bảo vệ được đôi mắt chúng ta khỏi những nỗi lo mang tên ánh sáng xanh.
Dược sĩ Tùng Lê