Ca sĩ Đoan Trường Du Lịch Đến Na Uy Thưởng Thức Những Món Ngon Độc Lạ

Facebook
Twitter
Email

Ca sỹ Đoan Trường vừa có chuyến đi 12 ngày qua 4 quốc gia Bắc Âu là Phần Lan, Thụy Điển, Na Uy và Đan Mạch vào trung tuần tháng 9-2023. Nam ca sỹ mạnh tay chi gần 100 triệu đồng, tận hưởng 2 ngày đêm không ngủ trên du thuyền 5 sao, với 12 tầng, vượt qua biển Baltic, tham quan nhiều vịnh hẹp đẹp nhất hành tinh tại Na Uy, lần đầu tiên trong đời thưởng thức nhiều món ăn độc lạ như cua Hoàng đế, cá tuyết, cua tuyết, lươn biển, thịt cá voi, nai sừng tấm, tuần lộc.

Anh còn chứng kiến hiện tượng Đêm Trắng tại nhiều nơi và đặc biệt nhất là được đón sinh nhật vào ngày 19-09 tại Đan Mạch, quốc gia thứ 60 và tỉnh thành thứ 222 mà anh vừa chinh phục. Đặc biệt Đoan Trường thích thú với món cua hấp sốt tỏi ớt Hoàng Đế có giá hơn 5 triệu đồng/ 1 kg. Trên trang cá nhân anh hài  hước nói: “Ăn cua xong không thấy đau bụng mà chỉ thấy …đau lòng”.

Quanh năm mưa giăng ngập lối, những ngôi nhà nhiều màu sắc nằm cheo leo bên sườn đồi, những cánh buồm du thuyền trắng tinh đung đưa trong gió thu, những con đường dốc nhỏ lát đá cuội là ấn tượng đầu tiên của  nam ca sỹ khi ghé thăm Bergen – thành phố lớn thứ hai tại Na Uy, một trong những quốc gia có mức sống cao nhất thế giới nhưng cũng đắt đỏ nhất thế giới. Tuy nhiên, chợ hải sản Bergen tại đây mới chính là địa điểm du lịch nổi tiếng nhất, có lịch sử giao dịch bắt đầu từ những năm 1200, nơi ngư dân bán nhiều mặt hàng hải sản độc đáo cho người dân địa phương.

Ca sỹ Đoan Trường tại Thành phố Bergen – Na Uy

Chợ hải sản mở cửa miễn phí từ thứ hai đến chủ nhật từ 8g sáng đến tận 11g tối vì càng về khuya chợ càng nhộn nhịp người mua kẻ bán. Các loại hải sản được bày bán nguyên con hay phân ra thành nhiều bộ phận, số lượng và chủng loại khác nhau để dễ dàng lựa chọn, chế biến và ngồi thưởng thức ngay bên bờ sông. Ở đây hầu như không niêm yết giá vì bán theo giá thời vụ. Người bán nói đúng giá,  vì thế người mua có mặc cả cũng không được giảm giá.

Vì đa số mặt hàng là cá nên người dân địa phương vẫn hay gọi chợ này là “chợ cá” ngay từ thế kỷ thứ 13. Sau này chợ mới mở rộng diện tích và bán thêm nhiều mặt hàng hải sản khác nên gọi là “chợ hải sản”. Đặc biệt, có một loại cá “khủng” được phép bán tại đây là…cá voi. Thịt cá voi được bán theo dạng phi lê từng bộ phận. Giá lên hay xuống còn tùy vào vụ mùa đánh bắt theo số lượng được cho phép. Thịt cá voi nhìn khá giống với thịt bò vì có màu đỏ thẫm, cách chế biến ngon nhất là áp chảo và ăn cùng với một loại nước sốt bí truyền.

Nếu muốn ăn thử nhiều loại hải sản, mà nhanh nhất là hấp tại chổ thì có thể mua lẻ chân cua, càng cua, còn ốc và tôm nhỏ thì bán theo gram hay kilogram. Vài quầy hàng thì bán càng cua, càng tôm theo size M, L, XL. Đoan Trường thử qua 4 khúc chân nho nhỏ này chính là của cua Hoàng đế với giá 20 Euro (khoảng 500 ngàn đồng).

Nếu muốn thưởng thức đầy đủ hải sản thì ghé vô các quầy chế biến được bán theo combo. Giá cho một đĩa combo ở đây từ 20 đến 50 Euro (khoảng 500 đến 1.3 triệu đồng) tùy từng loại. Đa số hải sản được ăn kèm với bánh mỳ nâu, khoai tây ráng, khoai tây luộc, bắp cải tím, hành củ cắt lát tẩm bột chiên hay cà rốt luộc.

Theo nam ca sỹ quan sát mỗi quầy hàng tươi sống chỉ bán một loại hải sản duy nhất như quầy tôm, lươn, cua, cá, ốc. Tuy nhiên khu vực nhộn nhịp nhất và đông người nhất vẫn là các quầy bán cua Hoàng đế vì mọi người phải đứng chờ đến lượt chụp ảnh và quay phim khá lâu. Mỗi bể cua chứa khoảng 10 con, trọng lượng trung bình từ 2 đến 5 kg.Trên mỗi con cua Hoàng đế đều được gắn môt cái thẻ có mã QR để nhận biết chủng loại, truy xuất nguồn gốc, thời gian đánh bắt.

Bên cạnh đó, quầy tôm càng xanh size XXL cũng thu hút nhiều lượt “check-in” nhưng giá khá “chát”, khoảng gần 2 triệu đồng/1kg mà nếu muốn chế biến tại chỗ, đơn giản chỉ cần hấp nhưng cũng phải trả thêm phí khoảng 300 ngàn đồng.

Ngoài ra, cá tuyết cũng là một đặc sản nổi tiếng tại đây với 3 loại chính là cá tươi, cá khô và cá muối. Cá tươi nấu súp kem thì là, cá khô được hun khói. Cá muối được ủ muối ép chân không đông cứng lại, có thể bảo quản hơn 3 năm, thuận tiện cho khách du lịch mua mang về. Cá sẽ được rã đông ở nhiệt độ phòng trong vòng 2 tiếng, ngâm trong nước đá lạnh 1 tiếng để rửa sạch lớp muối rồi để vào ngăn mát tủ lạnh dùng dần. Sau đó tùy ý chiên xào kho hấp mà không làm mất đi hương vị cá.

Đoan Trường quyết định mua thêm 2kg cá tuyết khô mang về làm quà. Giá tại thời điểm đó là 1.5 triệu đồng/1kg cá tuyết khô. Còn cá tươi rẻ hơn, tầm 1.3 triệu đồng/1kg.

Đi ngang qua một quầy thức ăn nhanh cũng nằm trong khu chợ cá, giọng ca “Dấu yêu” hoảng hốt khi thấy nhiều thực đơn “sốc” được niêm yết công khai. Tưởng bị hoa mắt, anh phải nhờ Google “phiên dịch” giúp và xác nhận lại với người bán hàng. Món súp cá truyền thống của Bergen làm từ cá hồi, cá tuyết, sò điệp, hoặc tôm và là một món ăn phổ biến có giá 65 NOK (140 ngàn đồng) cho tô nhỏ và 95 NOK (200 ngàn đồng) cho tô lớn.

Đoan Trường mạnh dạn chọn mua mỗi loại một cái ăn cho biết như bánh mỳ burger cá hồi, burger cá voi và burger thịt nai sừng tấm với salad và khoai tây chiên, đồng giá 170 NOK (375 ngàn đồng). Còn xúc xích thịt tuần lộc có giá bán là 75 NOK (375 ngàn đồng). Cuối cùng là món thịt nai nướng ăn với bánh mỳ cắt lát tẩm mứt  việt quất có giá 95 NOK (200 ngàn đồng). Thịt tuần lộc và nai sừng tấm có vẻ dai hơn nhưng hơi nhạt vì không tẩm ướp nhiều gia vị như ở Việt Nam.

Nhắc đến Na Uy, không thể không nhắc đến các loại cá cơm, cá trích, cá nhám và đặc biệt là cá hồi và trứng cá hồi vô cùng nổi tiếng. Cá hồi được nuôi trong môi trường tự nhiên ở Bắc Đại Tây Dương từ khi chúng còn trong trứng tới khi trưởng thành.

Cá hồi phi lê tươi có giá khoảng 800 ngàn đồng, còn cá hồi nguyên con tươi là 600 ngàn đồng/1 ký.

Những món ngon phổ thông nơi đây chủ yếu chỉ có 1, 2 cách chế biến như cá hồi nướng ô liu, cá trích chiên, cá tuyết nướng mật ong, lươn biển xông khói, tôm hấp bia, mai cua xào bơ đều hợp khẩu vị và dễ khiến người ta nhớ mãi không thôi. Chợ cá Bergen đúng là một nơi khó cưỡng cho những tín đồ trót đam mê sản vật của biển cả Na Uy như lươn, tôm, mực, bạch tuột, cá đuối.

Để thuận tiện hơn cho du khách, các quầy hàng cũng bày bán tất cả các loại cá đóng hộp, sốt cà, ngâm dấm, ô liu và trứng cá hồi đen đỏ có giá “nhẹ nhàng” hơn.

Càng đi về cuối chợ, mùi tanh nồng càng sộc thẳng vào mũi, nhưng điều thích thú là quện vào đó những mùi thơm khó cưỡng bốc lên từ những chảo đồ ăn tươi roi rói, nóng hôi hổi. Thêm vào không gian ấy là sự xuất hiện của vô số các loài cá có hình dạng lạ mắt chỉ có thể tìm thấy ở vùng biển Baltic này.

Đoan Trường chia sẻ: “ Cuối cùng thì tôi cũng phải rời đi trước khi mặt trời dần khuất bóng nhưng trong lòng vẫn còn tiếc nuối vì chưa thể khám phá hết toàn bộ khu chợ, đặc biệt là quầy hàng duy nhất của một gia đình người Việt nằm ở cuối dãy. Ngoài bến cảng, tàu thuyền vẫn cập bến mang theo những thùng hải sản tươi rói, những ánh đèn vàng sáng rực vẫn hắt xuống dòng sông, bầu trời vẫn ửng hồng như ráng chiều dù kim đồng hồ đang dừng lại ở con số 11g tối. Ngạc nhiên chưa? À, tôi chợt nhận ra Na Uy vẫn còn lại vài ngày cuối cùng của “Đêm Trắng”.

Thanh Tú

Facebook
Twitter
Email

Có thể bạn quan tâm

Mới cập nhật