Chấn thương tâm lý có thể diễn ra dưới nhiều hình thức khác nhau, từ thầm lặng, vô hình đến lạm dụng hay đánh đập. Dẫu khác nhau về kiểu hình song điểm chung của chúng là đều để lại những hệ quả khó lường, ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình trưởng thành lành mạnh mà một đứa trẻ nên được hưởng.
Thiếu vắng tình cảm từ phía cha mẹ
Trường hợp sang chấn tâm lý do thiếu vắng tình cảm thường xuất hiện trong các gia đình mà cha, mẹ (hoặc cả hai) hiếm khi, thậm chí là không bao giờ thể hiện tình cảm dành cho con cái. Vì quá bận rộn với các vấn đề của bản thân nên những bậc phụ huynh nói trên đã vô tình ‘ngắt kết nối’ với con, không dành thời gian trò chuyện hay khuyên bảo, động viên đứa trẻ. Mặt khác, một số người có thể tự hào và quan tâm đến con trước mặt người khác nhưng sau lưng lại lạnh nhạt, phớt lờ. Họ không nhận ra sự thiếu vắng của bản thân trong quá trình con cái trưởng thành, khiến nạn nhân trở nên cô độc và không thể phát triển toàn diện.
Vì quá bận rộn với các vấn đề của bản thân nên cha mẹ đã vô tình ‘ngắt kết nối’ với con (Ảnh Internet)
Trẻ em lớn lên trong sự ‘đóng cửa’ tình cảm của cha mẹ thường khó xây dựng các mối quan hệ lành mạnh, tích cực; không biết cách điều chỉnh và thể hiện tình cảm như ý muốn. Nhiều người còn khao khát tình cảm quá mức từ người khác, dễ lầm tưởng sự chiếm hữu độc hại là quý trọng, yêu thương.
Buộc phải trưởng thành sớm
Hiểu một cách đơn giản, việc đứa trẻ phải sống thiếu cha mẹ hoặc cha mẹ không đủ khả năng chăm sóc sẽ buộc chúng phải tự lo cho chính mình. Thay vì được sống đúng với lứa tuổi, trẻ dần bị ‘phụ huynh hóa’ và trở thành đối tượng chính gánh vác các trách nhiệm trong gia đình. Tiêu biểu nhất là việc phải vừa làm vừa học, thậm chí đảm đương luôn vai trò kinh tế để nuôi sống cả nhà.
Trẻ dần bị ‘phụ huynh hóa’ và phải gánh vác các trách nhiệm trong gia đình (Ảnh Internet)
Những đứa trẻ ‘chín ép’ do hoàn cảnh thường có khả năng chịu đựng rất cao, luôn kiên cường và sẵn sàng đối diện với các khó khăn trong cuộc sống. Tuy nhiên, tinh thần trách nhiệm được nuôi dưỡng quá mức sẽ khiến họ gặp các trở ngại liên quan đến niềm tin, cuối cùng lựa chọn ôm đồm mọi việc vì không thể yên tâm giao cho người khác. Chưa kể, lối sống này còn ngăn cản họ thực sự dành thời gian cho bản thân và tận hưởng những niềm vui thường nhật.
Bị bỏ mặc để tự lớn lên
Dạng chấn thương tâm lý này khá phổ biến trong các gia đình có cha mẹ quá bận rộn, không quan tâm và ít khi dành thời gian để mắt đến con. Lúc này, dù vẫn được cung cấp đầy đủ các điều kiện cần thiết để trưởng thành song đứa con sẽ phải chật vật học cách lớn lên một mình mà không có cha mẹ hướng dẫn hay làm điểm tựa.Dạng chấn thương tâm lý này khá phổ biến trong các gia đình có cha mẹ quá bận rộn
Do lớn lên trong một môi trường ‘thích làm gì thì làm’ nên những đứa trẻ này thường thiếu kết nối mọi người, bao gồm cả phụ huynh lẫn các mối quan hệ xung quanh. Điều kiện sống không luật lệ cũng đồng thời khiến họ không biết cách cư xử phù hợp, thậm chí thả trôi bản thân trong các hoạt cảnh tiêu cực và tệ nạn xã hội nguy hiểm.
Bị phớt lờ các cảm xúc chính đáng
Nhiều bậc phụ huynh thường có xu hướng kiểm soát thái quá cảm xúc của con. Họ không cho phép con được có những cảm xúc mang tính tiêu cực như đau khổ, buồn bã hoặc nhớ nhung – bất chấp việc đây là yếu tố bản năng tồn tại ở mỗi người. Tình trạng này càng nghiêm trọng khi cha mẹ đã ly hôn và không chung sống cùng nhau.
Việc giáo dục quá nghiêm khắc có thể làm con trẻ cảm thấy bị phớt lờ về mặt cảm xúc
Trên thực tế, hành động giáo dục quá nghiêm khắc có thể làm cho con trẻ cảm thấy bị phớt lờ và bỏ mặc, đặc biệt là về mặt cảm xúc. Khi những tâm tư, tình cảm của mình không được nhìn nhận và xử lý đúng cách, trẻ sẽ mất dần niềm tin đối với kết nối gia đình, cố gắng kìm nén để làm hài lòng cha mẹ hoặc trở nên phụ thuộc quá mức. Khi sự ức chế tích tụ lại, ‘ngòi nổ’ sẽ lớn dần và gây nên các vấn đề tâm lý như căng thẳng, rối loạn,…
Bị ‘bạo hành’ hoặc hạ thấp bằng lời nói
Bên cạnh động thái gây sang chấn bằng hành động, cha mẹ có thể tổn thương tâm lý của con khi liên tục sử dụng những từ ngữ mắng chửi, nhục mạ, mang ý chì chiết hay hạ thấp. Nhiều đứa trẻ còn bị phụ huynh lôi ra làm mục tiêu của các trò đùa, chủ đích hướng đến việc miệt thị ngoại hình hoặc trí tuệ.
Cha mẹ có thể tổn thương tâm lý của con bằng những từ ngữ mắng chửi, nhục mạ
Bên cạnh đó, cha mẹ độc hại kiểu này còn chủ động bêu rếu tính xấu của con trước mặt người khác nhằm làm đứa trẻ cảm thấy xấu hổ và tủi nhục. Dù xuất phát từ mục đích nào thì hành động này vẫn để lại hậu quả tâm lý khó mà khắc phục được.
Hành vi tưởng chừng vô hại này sẽ làm cho đứa trẻ từ từ thu mình lại, sống với tâm lý tự ti và không cảm nhận được những giá trị của bản thân. Mặt khác, để không bị người khác ‘tấn công’ bằng lời nói, họ thường hay gạt bỏ mong muốn cá nhân chỉ để làm hài lòng người khác.
Dẫu đáng buồn song những tổn thương tâm lý từ thời thơ ấu sẽ luôn hiện diện trong tiềm thức của ta và gần như không bao giờ biến mất. Tuy nhiên, người bị sang chấn vẫn có thể thay đổi góc nhìn, song song với hành trình chữa lành để sớm loại bỏ được phần nào nỗi ám ảnh tuổi thơ thường trực.
Huyền Long