HbA1c được gọi là hemoglobin glycated. Đây là chất được tạo ra khi glucose (đường) trong cơ thể kết hợp vào các tế bào hồng cầu. Khi cơ thể không thể sử dụng đường một cách bình thường, nhiều đường hơn sẽ kết hợp vào các tế bào máu và tích tụ trong máu của bạn. Các tế bào hồng cầu hoạt động trong khoảng 2-3 tháng, đó là lý do tại sao kết quả của chỉ số HbA1c được thực hiện hàng quý. HbA1c cao có nghĩa là bạn có quá nhiều đường trong máu và nhiều khả năng phát triển các biến chứng của bệnh tiểu đường, như các vấn đề nghiêm trọng với mắt và chân của bạn. Dựa vào chỉ số HbA1c, bác sĩ sẽ chẩn đoán, quản lý bệnh, có kế hoạch điều trị kịp thời và ngăn ngừa các biến chứng xảy ra.
Chỉ số HbA1c trong xét nghiệm đường huyết.
Biết được mức HbA1c của bạn và những gì bạn có thể làm để chỉ số HbA1c giảm, sẽ giúp bạn giảm nguy cơ mắc các biến chứng nghiêm trọng. Điều này có nghĩa là kiểm tra HbA1c của bạn phải được thực hiện thường xuyên. Đây là một cuộc kiểm tra quan trọng và là một phần của cuộc đánh giá sức khỏe hàng năm, bạn có thể làm xét nghiệm này ít nhất mỗi năm một lần. Nhưng nếu HbA1c của bạn cao hoặc cần chú ý hơn một chút, nó sẽ được thực hiện sau mỗi ba đến sáu tháng. Điều thực sự quan trọng là không được bỏ qua các xét nghiệm này, vì vậy nếu bạn chưa làm xét nghiệm này trong hơn một năm, hãy liên hệ với nhóm chăm sóc sức khỏe của bạn.
Khi biết được mức HbA1c của mình, bạn cần phải hiểu ý nghĩa của kết quả và cách ngăn chúng tăng quá cao. Ngay cả mức HbA1c tăng nhẹ cũng khiến bạn có nhiều nguy cơ bị các biến chứng nghiêm trọng, vì vậy hãy tìm hiểu tất cả thông tin về HbA1c.
Hai nghiên cứu quy mô lớn – Nghiên cứu Tiềm năng về Đái tháo đường tại Vương quốc Anh (UKPDS) và Thử nghiệm Kiểm soát và Biến chứng Đái tháo đường (DCCT) – đã chứng minh rằng việc cải thiện HbA1c thêm 1% (hoặc 11 mmol / mol) cho những người mắc bệnh đái tháo đường týp 1 hoặc đái tháo đường týp 2, giúp giảm nguy cơ biến chứng về vi mạch đến 25%.
Các biến chứng về vi mạch bao gồm:
- Bệnh võng mạc
- Bệnh thần kinh
- Bệnh thận do tiểu đường (bệnh thận)
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng những người mắc bệnh tiểu đường loại 2 giảm được 1% mức HbA1c là:
- Giảm 19% khả năng bị đục thủy tinh thể
- Giảm 16% khả năng bị suy tim
- Giảm 43% khả năng bị cắt cụt chi hoặc tử vong do bệnh mạch máu ngoại vi.
Thường xuyên kiểm tra chỉ số HbA1c giúp giảm nguy cơ bị đục thủy tinh thể.
Tất cả mọi người mắc bệnh đái tháo đường nên được làm xét nghiệm HbA1c ít nhất mỗi năm một lần. Một số người có thể xét nghiệm HbA1c thường xuyên hơn. Điều này có thể xảy ra nếu gần đây bạn đã thay đổi thuốc hoặc nhóm y tế của bạn muốn theo dõi việc kiểm soát bệnh tiểu đường của bạn nhiều hơn một lần mỗi năm.
Mặc dù mức HbA1c đơn lẻ không dự đoán được các biến chứng của bệnh tiểu đường, nhưng việc kiểm soát tốt được biết là có thể làm giảm nguy cơ gây biến chứng .
Việc đo chỉ số HbA1c, giúp chúng ta biết được mức đường huyết (đường) trung bình trong hai đến ba tháng qua. Nếu bạn bị tiểu đường, mức HbA1c là 48mmol / mol (6,5%) hoặc thấp hơn.
Nếu bạn có nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường loại 2, mức HbA1c mục tiêu của bạn phải dưới 42mmol / mol (6%).
Thang đối chiếu của chỉ số HbA1c có thể chỉ ra những người bị tiền tiểu đường hoặc tiểu đường như sau:
Mức độ | Thông số | Phần trăm |
Bình thường | Dưới 42 mmol / mol | Dưới 6,0% |
Tiền tiểu đường | 42 đến 47 mmol / mol | 6,0% đến 6,4% |
Bệnh tiểu đường | 48 mmol / mol trở lên | 6,5% trở lên |
Thang đối chiếu của chỉ số HbA1c
Đái tháo đường hiện nay là một bệnh lý khá phổ biến và có thể đưa đến nhiều biến chứng nguy hiểm. Việc kiểm tra chỉ số HbA1c thường xuyên là vô cùng quan trọng trong việc đánh giá và kiểm soát đường huyết trong thời gian dài, giúp theo dõi bệnh lý đái tháo đường. Duy trì chỉ số này ở ngưỡng phù hợp, sẽ làm giảm các biến chứng nguy hiểm. Dựa vào chỉ số HbA1c, bác sĩ sẽ có hướng điều trị thích hợp cũng như lên kế hoạch về chế độ ăn uống, luyện tập phù hợp, sử dụng các loại thuốc điều trị một cách hiệu quả để ngăn ngừa những biến chứng xảy ra, cải thiện cho bệnh nhân một cuộc sống tốt đẹp.
Dược sĩ Tùng Lê.