Hàng ngày, phụ nữ phải đối mặt với hàng tá công việc nhà thật sự là một gánh nặng. Không chỉ những phụ nữ đi làm mới cảm thấy quá sức, ngay cả một số phụ nữ chuyên nội trợ, lắm khi cũng cảm thấy bức bối với những “việc không tên” này. Lướt qua vài diễn đàn trên mạng xã hội, nhiều bà vợ thường tám chuyện với nhau rằng “chồng mình lười chảy thây, đi làm về là nằm dài xem điện thoại, chơi game…”, rồi “chồng mình nhác việc nhà lắm, quăng hết cho vợ thôi”… Có lẽ điều khiến đa số hội chị em “vỡ mộng” nhất là khi kết hôn, anh người yêu ga lăng của mình bỗng nhiên biến thành một ông chồng lười nhác, giục mỏi miệng vẫn chẳng chịu làm việc nhà. Trước “thực tế tàn khốc” này, nhiều chị chọn cách nhắm mắt buông xuôi, tự mình làm cho rảnh nợ, nhưng cũng có chị lại không cam chịu số phận mà quyết tâm nghĩ ra nhiều “tuyệt chiêu” để cải tạo chồng mình. Với tôi, sau bao nhiêu năm “chinh chiến việc nhà cùng chồng”, nhà cửa sạch sẽ, vợ chồng vui vẻ, chính là nhờ vào nghệ thuật “sai” chồng đấy nhé. Các chị em ơi, hãy đừng ngồi đó than thở “sao chồng tôi lười thế này, nhác việc thế kia…” nữa, vì thật ra cũng lắm “chiêu trò” để “dụ” chồng nhé, khéo léo một chút là chị em sẽ thành công ngay thôi.
Đàn ông vốn dĩ là chúa “hảo ngọt”, không thích sự sai khiến, nên chị em cần tận dụng triệt để yếu điểm này. Những lời nói ngọt ngào, nhỏ nhẹ sẽ khiến anh ấy làm việc nhà cùng bạn một cách tích cực và vui vẻ, “một anh à, hai anh à” là sẽ được việc hết thôi. Đừng tiết kiệm lời khen khi anh ấy làm được việc nhé, bản chất đàn ông là hiếu thắng, bạn hãy giúp chồng tìm thấy “chiến công” ngay trong việc gia đình, sao cho anh ấy cảm thấy luôn đứng ở vị trí “số một”, khéo nhất, tài nhất, làm cái gì cũng nhất. “Có tay anh có khác, nhà sạch hẳn” hay “Ông xã em nấu cơm ngon quá, em chỉ thích cơm anh nấu thôi”, “người đàn ông đích thực là đây, không ai giỏi hơn chồng em”…, những lời ngọt ngào như thế, các ông chồng sẽ thích ngay và thậm chí sẽ còn “thể hiện” tốt hơn ở những lần tiếp theo. Tuy nhiên, bạn cũng cần biết lựa chọn thời điểm để “giao việc” cho anh ấy, không thể lựa chọn lúc hai vợ chồng vừa cãi nhau, vừa xảy ra mâu thuẫn, căng thẳng để nói “anh làm việc này đi”. Thay vào đó, hãy dành thời gian vào ngày hôm sau, khi cả hai đã dịu lại, đề nghị với anh ấy một cách nhẹ nhàng và vui vẻ “khi nào rảnh anh làm giúp em việc này với nhé”, chắc chắn lúc ấy anh chồng bạn sẽ có tâm trạng tốt hơn để mà tiếp nhận “công việc” thôi.
(Hình minh họa)
Thế nhưng, cũng sẽ có những trường hợp, dù bạn đã tung hết “chiêu” ngon ngọt để giao việc, thế mà anh chồng vẫn tỏ ra lười nhác thì phải làm sao đây? “Mẹo” của tôi từng dùng với anh xã là quyết định “đình công”. Sau nhiều lần tỉ tê với anh chồng, thậm chí là cãi nhau, mặt nặng mặt nhẹ thế mà cũng chẳng thể nào thay đổi được cái bản tính “là người xã hội”, sáng bận việc công ty, chiều bận việc nhậu nhẹt với bạn bè, về nhà thì bận xem “xã hội ti vi”, “xã hội facebook”, tóm lại là “rất bận”. Thế là “chiến lược đình công” của tôi đã thật sự bắt đầu. Sáng tôi thức dậy đi làm thật sớm, chiều về thật muộn, nhà cửa không dọn dẹp (vì có đủ thời gian đâu), bữa cơm không nấu, mặt thì cau có, bực bội, không thèm nói chuyện… Được khoảng một tuần, tôi bắt đầu thấy anh chồng về sớm hơn, chắc biết vợ giận nên muốn làm hòa đây mà, lòng mừng thầm khẽ liếc nhìn qua, tôi thấy anh chồng cứ đi ra đi vào rồi bắt đầu lân la hỏi tôi về chuyện công việc, chuyện nhà cửa… Tôi được dịp luyên thuyên kể ra công việc của tôi ở công ty nhiều ra sao, sếp giao cả núi việc thế nào…, cảnh báo rằng từ nay chuyện nhà cửa cơm nước tôi sẽ không lo được nữa. Vẻ mặt anh chồng bắt đầu căng thẳng, lo lắng… Mà cũng đúng thôi, mỗi ngày đi làm về, được tận hưởng cảm giác ngôi nhà thơm tho, sạch sẽ, thưởng thức những bữa cơm gia đình vợ nấu với nhiều món thơm ngon, nóng hổi, thế thì còn gì bằng. Nhìn vẻ mặt anh chồng thất thểu, tôi cũng muốn xiêu lòng lắm, nhưng không, quyết tâm phải cải thiện anh chồng mới được. Hôm sau bất ngờ lắm nhé, tôi bước vào nhà, thấy anh chồng đã về từ bao giờ, lau quét nhà cửa gọn gàng, sạch sẽ. Vào bếp, ngạc nhiên hơn nữa, bữa cơm chuẩn vị đã được hoàn thành xuất sắc luôn, tuy nhìn chưa đẹp mắt nhưng cũng tươm tất lắm. Nhìn anh chồng bơ phờ sau một buổi làm những “việc không tên”, tôi thấy thương gì đâu. “Không ngờ việc nhà lại vất vả đến vậy, từ nay, anh sẽ chia sẻ cùng vợ nhé”: anh chồng tôi thì thầm, thì ra, “chiêu trò đình công” của tôi cũng hữu dụng lắm đó chứ. Vậy là từ đó, hai vợ chồng tôi cùng chung tay việc nhà, rất vui vẻ, rất “hợp tác”.
(Hình minh họa)
San sẻ việc gia đình với phái yếu quả thực là điều cần thiết bởi hôn nhân gia đình muốn hạnh phúc và dài lâu thì cần phải dựa trên sự đồng lòng, chia sẻ trách nhiệm của cả vợ lẫn chồng. Và đương nhiên chia sẻ việc nhà không phải là điều ngoại lệ. Quả thực nếu cứ tiếp diễn từ ngày này qua ngày khác với danh mục dài dằng dặc những công việc nhà thì đây chính là nỗi ám ảnh và gánh nặng đối với nhiều phụ nữ. Bởi sau những giờ làm việc miệt mài căng thẳng bên ngoài thì khi quay trở về tổ ấm, họ lại phải bắt tay vào công việc nhà. Có hàng tá công việc khiến các bà nội trợ cảm thấy mệt mỏi và gần như kiệt sức. Đây chính là thử thách đúng nghĩa với họ. Chính vì thế, chẳng có gì hạnh phúc hơn là được chồng cảm thông và sẻ chia công việc nhà, từ đó giúp gắn kết tình cảm vợ chồng, hơn thế nữa, các đấng mày râu còn có xu hướng học được đức tính tỉ mỉ và kiên nhẫn nữa nhé. Nhà là nơi để chia sẻ, đồng lòng, chung tay tạo dựng hạnh phúc, hãy cùng nhau chăm lo cho tổ ấm nhỏ, chăm chút cho những người mà mình yêu thương.
Nguyễn Sang