Những mâu thuẫn, tranh cãi phát sinh trong cuộc sống hôn nhân là điều khó tránh khỏi, dường như gia đình nào cũng phải đối mặt và vượt qua nó. Vì những xung đột, va chạm nhau là chuyện thường tình, ngay cả những cặp đôi hoàn toàn “tâm đầu ý hợp” cũng có những phút “không vừa lòng nhau”. Thế nên những người trong cuộc cần phải học cách tự hòa giải, đừng để những mâu thuẫn nhỏ tích tụ, bùng nổ lên thành khủng hoảng. Cãi nhau là một nghệ thuật, cãi nhau để “giữ lửa”, để đôi bên hiểu và thông cảm cho nhau hơn, bởi đó là cơ sở để tạo nên một mối quan hệ vững chắc, lâu bền. Và đó mới là cuộc sống thật sự.
(Ảnh minh họa)
Câu chuyện của vợ chồng tôi là một ví dụ điển hình nhất. Hai đứa về chung nhà, bên nhau đón được chắc 8 cái tết rồi, yêu thương nhau thật nhiều, mà những lần ghét nhau đến nỗi không muốn nhìn mặt cũng không ít, còn những tranh cãi, giận hờn lặt vặt thì nhiều không đếm nổi. Tôi nhớ có đôi lần, tranh luận toàn những chuyện không đâu mà đến mức “giận mất khôn”, tôi bỏ nhà đi luôn. Cảm giác lúc ấy thoải mái vô cùng, tụ tập nhậu nhẹt cùng chúng bạn, “chén anh chén tôi”, tôi như người đang được tư do, thích đi đâu thì đi, làm gì thì làm, không ai quản, không ai “í ới” gọi về khi tối muộn… Đêm dài, ngày dài cứ chầm chậm trôi qua không một cuộc gọi, không một tin nhắn, hai vợ chồng tôi, đúng là đứa nào “cái tôi” cũng to đùng. Sau một ngày “lang thang”, lòng tôi cũng cảm thấy một chút dịu lại, khoảng thời gian “xa cách” cũng suy nghĩ và nhìn nhận được không ít điều hay, cảm giác nhớ vợ dường như len lỏi trong lòng và tôi quyết định…về nhà. Vợ tôi chắc cũng lo lắng lắm đây nhưng với cái tính trẻ con, hay giận hờn, thích dỗ ngọt, hơn nữa tôi đã dám “cả gan bỏ nhà đi bụi” như thế này thì khả năng tôi bị “ghét” sẽ kinh khủng lắm đây. Vừa bước vào nhà, cô vợ bé nhỏ không thèm nhìn tôi lấy một cái, lườm nguýt, mặt nặng mày nhẹ. Thôi thì tôi biết lỗi của mình rồi, đàn ông mà, xuống nước một chút cho vui cửa vui nhà. “Vợ ơi, giận lâu sẽ xấu, sẽ mau già lắm đấy, thương anh đi, anh biết lỗi rồi mà”: tôi ôm vợ không quên ghé tai thì thầm, cô vợ đáng yêu của tôi lẫy lẫy đòi hất tay chồng ra: “Anh đáng ghét lắm, cho anh đi luôn đi”, “Không dễ đâu nhé, vợ không thoát khỏi tay chồng đâu”: tôi đáp lời kèm theo cái ôm siết thật chặt.
(Ảnh minh họa)
Chuyện vợ chồng tôi là như thế đấy, giận đó, ghét đó rồi lại yêu thương đong đầy. Những giận hờn vụn vặt trải qua khiến chúng tôi hiểu nhau hơn, gắn kết gần nhau hơn và trân trọng những phút giây vui vẻ lại bên nhau, từ đó vun đắp thêm cho nhau những yêu thương, hạnh phúc vẹn tròn.
Vợ chồng tranh cãi, giận hờn nhau không phải là chuyện quá tồi tệ, quan trọng là bạn phải thật khôn khéo để tránh biến “cuộc chiến tranh” thành lý do để hai người rời xa nhau. Đôi khi, giải pháp không nói chuyện cũng là một cơ hội để bạn và đối phương cho nhau thời gian bình tĩnh, suy nghĩ và nhìn nhận lại về chuyện tình cảm của cả hai. Thời gian có thể tạm xoa dịu những nỗi buồn và cảm xúc tức giận của bạn và người ấy, để vợ chồng có thể nhận ra vấn đề mình đang gặp phải và cùng nhau thỏa hiệp. Nhưng không phải cứ “im lặng là vàng” đâu nhé, khi sự yên lặng kéo dài càng lâu cũng là lúc sóng gió nổi lên trong lòng mỗi người càng lớn. Hãy xem chuyện giận hờn, cãi vã như một thứ gia vị cho đời sống vợ chồng, mỗi cung bậc cảm xúc sẽ làm phong phú thêm hương vị của hôn nhân. Hãy đối diện với những tranh cãi, giận hờn để có thể hiểu nhau hơn, để biết trân quý hơn những khoảnh khắc hạnh phúc bên nhau.
Nguyễn Sang