Cô Bé Bán Vé Số Và Cái Chữ

Facebook
Twitter
Email
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Mi,tên thật là Nguyễn Thị Kim Phượng sống chung với bố mẹ và anh chị em trong một căn phòng thuê nhỏ, chật chội. Em là con thứ trong gia đình có 4 anh chị em gồm chị gái, anh trai và một em trai út. Cả nhà mưu sinh bằng nghề bán vé số.

Hàng ngày, em rong ruổi trên đường phố Sài Gòn, dưới cái nắng gay gắt nhiều lúc đã làm em bị ngất xỉu do say  nắng và chịu những cơn đói khi không bán được tấm vé nào. Phượng có vóc dáng cao lêu nghêu với một gương mặt nhỏ xinh xắn với chiếc mũi khá cao và đôi mắt mí lót làm gương mặt em thêm phần sắc xảo. Tuy vậy, em có một thân hình gầy gò, mong manh do thiếu ăn khiến một cơn gió mạnh có thể thổi em bay xa. Một buổi chiều nọ, khi tôi đang đi tiếp cận các trẻ em đường phố để hỗ trợ, giúp các em có một tương lai tốt đẹp hơn thì tôi gặp Phượng. Lúc này vào khoảng gần giờ ngọ, ánh nắng  chiếu vào chúng tôi khiến da tay tôi ran rát, nóng hừng hực. Thấy tôi, cô bé nhoẻn miệng cười rồi chìa ra một xấp vé số trước mặt rồi nài nỉ:

Cầm một xấp vé trên tay, cô bé ước mơ mình bán hết sớm để được đến lớp – Ảnh từ Internet

Cô ơi! Cô mua giúp con một tờ vé số với. Sáng giờ con không bán được nhiều. Cô mua giúp con đi cô!

Cô bé cứ thế năn nỉ cho đến lúc tôi mua thì mới thôi. Bán được cho tôi chỉ một tấm vé, vậy mà cô bé tỏ ra vui tươi hẳn. Định bỏ đi nhưng tôi gọi em quay lại.

Này con! Con có muốn được đi học không? Cô có một trung tâm dạy học miễn phí cho trẻ đường phố và trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nằm ở quận 3. Cô bé suy nghĩ một hồi rồi nói:

Dạ, con rất muốn đi học nhưng con còn phải đi bán vé số cô ạ! Nói xong cô bé chạy vụt đi, mất hút. Tôi gọi với theo nhưng cô bé đã chạy vào một con hẻm gần chợ Tân Định. Nhìn thấy cô bé tôi thấy thương quá và quyết định quay lại khu chợ này vào ngày hôm sau. Có lẽ Thượng Đế đã sắp đặt mọi chuyện theo cách của Người, nên tôi lại may mắn được  gặp em cũng giữa trời nắng như thiêu như đốt. Lần này cô bé nhận ra tôi và chủ động đến bắt chuyện. Tôi cũng hỏi thăm em và biết được hôm nay em bán đắt hơn hôm qua, trên tay chỉ còn một vài tấm. Nói đoạn, cô bé mới hỏi tôi:

Cô ơi! Trung tâm cô có tập, viết không? Có sách không? Có bảng không?…Cô bé hỏi rất nhiều thứ và tôi nhận ra rằng cô bé đã thay đổi ý định. Có lẽ lần này bé sẽ nói với tôi rằng con muốn được đi học. Y như những gì tôi tiên đoán, cô bé chần chừ một hồi rồi xin vô học ở trung tâm. Tôi còn nhớ, lần đầu tiên để đưa bé đến trung tâm, tôi đã đạp xe ra chợ Tân Định, rồi chở em đến trung tâm ở đường Tú Xương, và đây cũng chính là tên của trung tâm tôi, Trung Tâm Tú Xương do một tổ chức của Pháp tài trợ. Cứ thế những ngày sau đó, cô bé tự mình đi bộ đến trung tâm. Rồi những con chữ ABC bắt đầu được viết lên trong trí nhớ của em. Lúc này, em đã 11 tuổi nhưng em học chương trình lớp 1 để làm quen với bảng chữ cái cũng như số đếm. Sau những giờ bán vé số vất vả là em chạy ngay đến trung tâm để học, hầu mong có thể biết đọc biết viết. Cuối cùng rồi em cũng đã có thể tự tay viết họ tên của mình. Niềm vui sướng được tỏ hiện trên gương mặt em, nụ cười tươi rói đã khiến đôi mắt mí lót của em giờ chỉ còn 2 lằn ngang. Dân gian người ta hay nói nụ cười không thấy tổ quốc là đây.

Có một ngày nọ, khi em đang viết bài trong lớp thì tôi nghe tiếng la quang quác của một người phụ nữ:

“Mi đâu! Sao mày không đi bán vé số mà vào đây học”?

Tôi đoán đây là mẹ của bé, một người phụ nữ nhỏ con, đi đôi dép lệch xệch với gương mặt đanh đá. Bà ta bước vào lớp, kéo cô bé ra khỏi ghế và bắt đầu lôi đi. Thấy vậy, tôi mới khuyên can, xin bà ấy hãy nhẹ tay và nghe cô bé kể việc đi học của mình. Ấy vậy mà bà ấy không chịu hiểu, cứ đánh vào đầu cô bé rồi nói: “Lo kiếm miếng ăn để sống còn chưa xong thì làm sao mà đi học hả mạy”? Con bé vừa bị mẹ đánh đau vừa quỳ xuống xin lỗi mẹ vì chưa bán hết vé số mà đã dám đi học. Con bé khóc thút thít:

“Mẹ ơi! Lần sau con sẽ bán hết vé rồi mới đi học ạ. Mẹ tha cho con lần này nhé”! Nói đoạn, cô bé ôm chân mẹ và năn nỉ.

Những lần về sau, có lúc cô bé phải đến lớp trễ vì chưa bán hết vé số. Tuy vậy cô bé đã luôn cố gắng bán hết vé số để kịp lúc đến lớp. Hiện nay cô bé đã được có một cuộc sống ổn định và trở thành trụ cột của gia đình. Em đã giúp đỡ cha mẹ và anh chị em của mình để mọi người cũng có cuộc sống tốt hơn.

Teresa Quyên

Facebook
Twitter
Email

Có thể bạn quan tâm

Mới cập nhật