Có những mảnh vụn bên lề xã hội…
“Cô ơi! Tụi con muốn được đi học”. Lời nói đó được thốt ra từ miệng của các bé đang ngồi chơi với nhau trên đường phố. Tôi dừng lại và hỏi thăm các con:” Tụi con sao ngồi chơi ở đây? Con không đi học à?” Tụi nhỏ cười nói: “Nhà tụi con còn không có để ở thì sao có tiền đi học được cô”. Tôi nghe thấy nhói ở trong lòng quá vì biết rằng tuổi thơ của các con đang bị đánh cắp bởi vòng lẩn quẩn của sự nghèo đói. Nhà của chúng là mái hiên của nhà người ta, giường của chúng là một chiếc ghế gấp cũ kỹ, các vật dụng thì không có gì nhiều hơn vài bộ đồ che thân và một vài cái chén, cái ly nhựa cũ mèm. Có đứa thì gia đình phải ngủ trong chợ Tân Định quận Nhất, đứa khác thì ngủ trên chiếc ghe mỏng manh ở khu Thủ Thiêm quận 2 và ngủ lang thang nhiều nơi trong khu vực Sài Gòn. Mỗi ngày để kiếm miếng ăn, gia đình chúng chia nhau đi bán vé số, giấy dò, đi lượm rác, ve chai, đi phụ hồ… Tất cả cũng chỉ để có cái ăn cho cái bụng rỗng.

Là một nhân viên xã hội, tôi có cơ hội tiếp xúc với các mảnh đời tơi tả này khi tôi bắt đầu nhận quản lý một Trung tâm tên là Pointcom Tú Xương, nơi giúp cho trẻ em đường phố có một nơi để được yêu thương, được học hỏi và được trải nghiệm cuộc sống của một đứa trẻ. Từ buổi đầu gặp các con, tôi đã thấy yêu thương chúng thật nhiều. Vậy là tôi mạnh dạn chia sẻ cho chúng biết về trung tâm mà tôi đang quản lý. Các con gật đầu lia lịa và bắt đầu đến trung tâm học chữ, học tiếng Anh, vi tính và cả các buổi ăn xế khi nghỉ giải lao lúc học. Các con thích lắm và mỗi ngày đều đặn đến trung tâm để học.

Tôi còn nhớ có lần trong lớp khi cô giáo đang dạy, thì bạn Mi (Tên thật là Nguyễn Thì Kim Phượng, lúc đó con khoảng 9 hay 10 tuổi) giơ tay lên và xin phép cô cho về sớm vì đến giờ con phải chạy đi bán giấy dò số. Con bé tất bật chạy bộ ra chợ Tân Định, nhận giấy dò từ chủ và bắt đầu lao ra các ngã đường và mời các mối quen cũng như tất cả các khách đi đường với câu chào mời quen thuộc:” Cô ơi, chú ơi! Mua giúp con một tờ giấy dò đi ạ!” Cứ thế đến trước giờ xổ số là chúng xổ ra cửa lớp như chim sổ lồng. Có lần tôi không thấy bé đến lớp, tôi đi ra chợ tìm thì thấy bé đang bị mẹ đánh vào người và mắng bé: “Mày chưa bán hết vé số mà mày đòi đi học gì hả? Tao nói cho mày biết nha không có đi học gì hết. Nghỉ ngay cho tao”. Con bé người gầy nhom như bộ xương di động. Cố kéo tay mẹ nó ra để bớt đau. Nó giằng co và ngã người xuống lòng chợ. Nước mắt giàn giụa, ướt đẫm khuôn mặt xinh xắn gầy gò của nó. Tôi bước đến gần và nói chuyện với mẹ bé. Bà vẫn còn tức giận lắm nên không muốn lắng nghe lời nào từ tôi. Tôi cũng đành để cho bà nguôi bớt cơn giận và giải thích cho bà biết việc đi học sẽ giúp cho con thoát cảnh cơ hàn như thế nào. Tuy vậy, để tiếp tục mưu sinh con cũng cần cố gắng bán được thật nhiều vé số mỗi ngày.
Khép lại câu chuyện của bé Mi. Tôi muốn nói rằng các con, những đứa trẻ thiếu may mắn cần lắm những tấm lòng nhân ái, những cánh tay nối dài đem đến cho chúng một nguồn sống mới, một tương lai tươi sáng hơn.
Chúng ta thật may mắn có được những mái ấm gia đình, có những vòng tay ôm ấp thân thương, có những thầy cô giáo chăm chú từng nét chữ… còn bên ngoài kia bao nhiêu mảnh đời trẻ thơ chỉ mong muốn được đến trường… một ước mơ thật nhỏ bé tưởng chừng như mọi đứa trẻ cần phải được… nhưng đối với chúng là cả một giấc mơ không bao thực hiện được.
Theresa Quyên