Tuổi trẻ ai cũng có những khát vọng, ,những ước mơ cháy bổng. Thế mà bạn ấy, Hằng Lê đã khóc thật nhiều khi muốn thi vào Đại Học như các bạn cùng trang lứa nhưng lại không thể đăng ký dự thi khi không có chiếc Căn cước công dân.
Sinh ra trong một gia đình rất nghèo, phải ở tạm bợ trên ghe ở khu Thủ Thiêm, quận 2, nơi chỉ dành cho những mảnh đời khốn khó, với chi phí trả tiền thuê rất ít ỏi. Những lúc nước sông dâng lên hay những cơn bão kéo đến là những chiếc ghe chao đảo, ngập nước tưởng chừng bị nhấn chìm xuống dòng nước chảy xiết. Cuộc sống của Hằng cũng thế, luôn ngập tràn trong những trận khóc thét, sợ hãi khi phải chứng kiến ba mẹ gây lộn và thậm chí là đánh nhau. Mẹ thì đam mê số đề, buôn bán được bao nhiêu tiền thì đem hết đi đánh đề, còn ba thấy vậy thì sanh ra buồn bã đành mượn rượu giải sầu. Ba chị em Hằng thì bữa đói, bữa no, dắt díu nhau sống qua ngày.
Cuộc sống tạm bợ đầy bấp bênh của gia đình Hằng – Ảnh từ Internet
Cuộc sống cứ thế âm thầm trôi qua cho đến lúc ba mẹ của bạn ấy không thể cùng chung sống dưới một mái nhà. Và thế là họ chia tay, sự đổ vỡ khiến những đứa trẻ ngây ngô như Hằng và các em cũng không hiểu nhiều về sự bỏ đi của người mẹ. Từ lúc đó, 3 chị em ở cùng với ba và thiếu mất người mẹ ở bên. Bốn cha con ôm nhau khóc thật nhiều nhưng sau đó ba Hằng đã quyết tâm thay đổi. Ông bắt đầu đi làm tất cả những việc để có thể kiếm được các bữa cơm cho các con. Do trình độ không có, lại nghèo nàn nên kiếm việc làm cũng rất vất vả. Cuối cùng ông cũng kiếm được một chân làm bảo vệ nhưng chỉ có những đồng lương ít ỏi, không đủ để cho các con đến trường. Thương các con nên ông cũng tranh thủ lúc rảnh là đạp chiếc xe cà tàng, rồi buộc 2 cái bao to hai bên để lượm ve chai. Thấy ba vất vả, Hằng lẽo đẽo theo ba để cùng kiếm sống. Cho đến một ngày nọ, khi hai cha con đi ngang qua con đường Tú Xương thì thấy một trường học có tên ” Ánh Sáng”, nơi đó có nhiều đứa trẻ mặc đồng phục đang nô đùa rất đáng iu. Bé Hằng dáo dác nhìn quanh trường rồi lí nhí trong miệng câu gì đó như “Ước gì mình được đi học…”. Dường như ba hiểu được ý của con mình, ông dựng chống xe đạp, phủi phủi bụi bám đầy quần áo rồi chậm rãi bước tới phòng bảo vệ. Khi vừa đến thì chú bảo vệ hỏi ngay: ” Anh muốn xin cho con gái đi học phải không”? Ba Hằng lắp bắp rồi nói: ” Dạ, dạ đúng rồi anh. Tôi muốn xin cho con gái được đi học nhưng tôi không có đủ điều kiện.” Chú bảo vệ cười khà khà rồi nói :” Trường này là được miễn phí, dành cho các trẻ em đường phố, trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn”. Nghe vậy, ba Hằng mừng lắm. Ông liền cám ơn và chạy ra khỏi trường để báo cho con gái là con sắp được đi học rồi. Thấy ba hớn hở là thế, Hằng cũng chưa biết chuyện gì xảy ra nhưng sau khi nghe ba kể thì bạn nhảy cởn lên ôm lấy cổ ba, sung sướng thốt lên : ” Con cám ơn ba. Con được đến trường rồi”. Bắt đầu từ giây phút ấy, Hằng được đăng ký vào lớp 1 khi bạn đã 9 tuổi.
Thấy ba vất vả, Hằng lẽo đẽo theo ba để cùng kiếm sống – Ảnh từ Internet
Rồi lần lượt hai em của Hằng cũng được vào trường học. Được biết đây là một ngôi trường được tài trợ bởi một tổ chức nước ngoài, Christina Nobel. Ở đây không những được học mà các em học sinh còn được hỗ trợ tiền ăn và được phát triển năng khiếu. Hằng học rất giỏi, luôn đạt những thành tích tốt trong học tập cũng như các môn năng khiếu như múa hiện đại, cầu lông, và nhất là môn mỹ thuật. Hằng có khiếu vẽ rất đẹp. Mỗi lần có cuộc thi vẽ là bạn lại vẽ tranh về gia đình để vơi đi nỗi nhớ mẹ phần nào. Ngày lại ngày, dù cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng Hằng đã bước đi, tiến về phía trước nơi có những ước mơ, ấp ủ bấy lâu. Hôm nay, Hằng đã hoàn tất kỳ thi tốt nghiệp phổ thông tại Trung Tâm Giáo Dục Thường Xuyên quận 3 với số điểm được vào top 5 của lớp. Ấy vậy mà bạn ấy không vui chút nào khi đám bạn chung lớp ghanh tỵ. Cô bé gặp tôi và kể rằng con không được thi vào các trường đại học vì con không có Căn cước công dân cô ơi! Cứ thế những giọt lệ tuôn tràn trên gương mặt bầu bĩnh của cô gái đang ở tuổi mới lớn. Cô bé nghẹn ngào nói ;” Ngay cả quyền được làm một công dân con cũng không có. Cuộc sống con sẽ ra sau đây cô”? Nói đoạn, cô bé chạy mất hút như muốn trốn chạy khỏi cuộc sống này. Dõi mắt nhìn theo cô bé mà tôi ngậm ngùi thay cho số phận của những đứa trẻ như Hằng.
Ngày lại ngày, dù cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng Hằng đã bước đi, tiến về phía trước nơi có những ước mơ, ấp ủ bấy lâu – Ảnh từ Internet
Ước gì những người ở cấp cao có thể thấu cảm và dang rộng vòng tay giúp đỡ những số phận như Hằng, để tương lai của những đứa trẻ sẽ thêm phát triển và có một cuộc sống tươi đẹp hơn.
Teresa Quyên