Search
Close this search box.
Search
Close this search box.

Những dấu hiệu cho thấy bạn là kiểu người bỏ bê bản thân

Facebook
Twitter
Email
Những dấu hiệu cho thấy bạn là kiểu người bỏ bê bản thân

Trái ngược với người ái kỷ (Narcissist) có xu hướng yêu bản thân quá mức, Echoist được định nghĩa là kiểu người xem trọng mong muốn của người khác đến mức bỏ bê nhu cầu thực sự của bản thân. Trên thực tế, sự cực đoan mà các echoist thể hiện ra chủ yếu xuất phát từ nỗi ám ảnh về việc phải làm hài lòng đối phương để được yêu thương và công nhận.

Định nghĩa Echoist – người bỏ bê bản thân

Thuật ngữ Echoist vốn dĩ có nguồn gốc từ một thần thoại Hy Lạp cổ, tạm dịch là ‘bỏ bê bản thân’. Người thuộc nhóm này thường từ chối bày tỏ những ý kiến, nguyện vọng của mình. Họ gần như không bao giờ nói lên suy nghĩ thật sự mà chỉ đơn thuần là đồng tình hoặc ‘hùa theo’ ý kiến của người khác. Ở mức độ căn bản, Echoist chỉ đơn giản là dễ hài lòng và khiêm tốn. Tuy nhiên, phiên bản cực đoan hơn lại gắn liền với lối sống không lập trường, không chính kiến, lâu dần sẽ khiến chúng ta mất đi khả năng tự quyết định trong mọi vấn đề.

Echoist thường từ chối bày tỏ ý kiến cá nhân và ưu tiên thuận theo người khác

Theo nhiều nghiên cứu, các Echoist thường bị thu hút đặc biệt bởi những người yêu bản thân. Họ luôn ngưỡng mộ và mong muốn có được lối sống như vậy, song lại lo sợ mình sẽ trở thành gánh nặng cho đối phương. Nói cách khác, sự tồn tại của Narcisstist và Echoist vừa vặn bù trừ cho nhau trên nhiều phương diện: nếu người ái kỷ yêu bản thân quá mức thì người bỏ bê lại khiếm khuyết khả năng ôm ấp bản thân một cách lành mạnh, chân thành.

Dấu hiệu cho thấy bạn là một Echoist

Một số dấu hiệu nổi bật về mặt tâm lý và hành vi chứng tỏ bản là một Echoist như sau:

  • Xem trọng nhu cầu của người khác hơn là mong muốn thực sự của bản thân mình: trong một mối quan hệ, Echoist thường có xu hướng hi sinh những nguyện vọng của mình để hoàn thành mong muốn cho đối phương. Họ không biết cách xác lập ranh giới cá nhân hay nói lời từ chối, do đó rất dễ bị người kia thao túng và lợi dụng
  • Sợ nổi bật: thay vì tỏa sáng trên sân khấu, Echoist thường từ chối vai trò trung tâm và chủ tâm hóa thân thành những ‘người rọi đèn’ cho bữa tiệc của người khác. Họ sợ hãi việc bị chú ý, cũng không muốn bản thân trở nên nổi bật. Với kiểu người này thì việc làm cho người khác hài lòng mới là điều quan trọng nhất

Các Echoist thích hòa lẫn với đám đông thay vì trở nên nổi bật

  • Sợ làm phiền và trở thành gánh nặng: khi ở trong một mối quan hệ, người bỏ bê bản thân luôn bị ám ảnh bởi nỗi sợ trở thành gánh nặng hoặc làm phiền đối phương. Điều này khiến họ không thể mở lòng, chia sẻ hay bày tỏ những cảm xúc xảy đến. Nếu gặp khó khăn, Echoist sẽ ưu tiên chịu đựng và tự mình giải quyết thay vì nhờ cậy bên còn lại
  • Sợ phải bộc lộ ý kiến, quan điểm cá nhân: thói quen ‘say yes’ với mọi đề xuất từ người khác để làm hài lòng họ sẽ khiến Echoist dần đánh mất năng lực phán đoán cũng như tự đưa ra quan điểm, quyết định một cách độc lập
  • Sợ nhận được lời khen: đối với các Echoist, lời khen ngợi dường như là thứ gì đó lạ lẫm và không dành cho mình. Do đó, họ có thể cảm thấy bối rối khi nhận được một lời khen bất ngờ, thậm chí cho rằng mình không xứng đáng với những thành tựu nói trên. Mặt khác, họ cũng hiếm khi tự ghi nhận điều mình đã làm được dù người khác có đánh giá cao thế nào đi chăng nữa.

Họ luôn tự đổ lỗi và rất hiếm khi ghi nhận thành tựu của bản thân

  • Tự đổ lỗi cho bản thân: để không gây phiền toái cho người khác, Echoist thường cư xử rất nghiêm khắc với bản thân. Họ có xu hướng đổ lỗi cho chính mình trước tiên, vì vậy rất dễ bị lợi dụng, thao túng hoặc mắc kẹt trong những mối quan hệ độc hại
  • Thấu cảm và nhạy cảm theo hướng tiêu cực: hầu hết những người thuộc nhóm Echoist đều có khả năng thấu hiểu, quan tâm và tinh tế. Tuy nhiên, họ lại không biết cách sử dụng những ưu điểm này một cách lành mạnh mà trái lại – cố gắng điều chỉnh bản thân sao cho ‘hợp rơ’ nhất với những người còn lại
Tại sao nhiều người lựa chọn bỏ bê chính mình để đến gần người khác?

Có rất nhiều lý do khiến một người nào đó hình thành lối sống theo kiểu bỏ bê bản thân. Ví dụ như:

  • Mối quan hệ gia đình và văn hóa nuôi dưỡng kiểu châu Á: ngay từ nhỏ, đại bộ phận trẻ em châu Á đã học được cách tự điều chỉnh bản thân sao cho phù hợp nhất với mong muốn và kỳ vọng của cha mẹ. Các thói quen và khuôn mẫu hành vi cũng được hình thành dựa trên khao khát làm hài lòng người lớn. Chúng ta bị đặt trong tâm thế ‘người quan sát’, đồng thời cố gắng tuân theo những mệnh lệnh thay vì được hướng dẫn và rèn luyện cách bộc lộ chính kiến cá nhân
  • Cha mẹ/ người nuôi dưỡng có tính ái kỷ cao: thông thường, người nuôi dưỡng trực tiếp càng có xu hướng ái kỷ cao thì khả năng con cái họ thuộc nhóm Echoist càng lớn. Họ là những bậc phụ huynh chỉ chú ý đến nhu cầu của bản thân và luôn mong muốn con làm theo ý mình thay vì thể hiện cá tính nguyên dạng. Mối quan hệ kiểu này rất dễ dẫn đến phản ứng né tránh hoặc trạng thái gắn bó kiểu lo âu.

Mối quan hệ với người chăm sóc không lành mạnh là nguyên nhân tạo nên các Echoist

  • Khi cha mẹ/ người nuôi dưỡng gặp khó khăn với việc xử lý cảm xúc: khi người chăm sóc không thể điều chỉnh và xử lý cảm xúc một cách lành mạnh, con cái sẽ buộc phải tham gia vào quá trình hoàn đổi vai trò. Trải nghiệm trở thành người chăm sóc bất đắc dĩ sẽ khiến trẻ không thể phát triển tâm lý như bình thường, luôn vì người khác mà quên đi bản thân. Không chỉ hình thành xu hướng Echoist, những trải nghiệm tương tự cũng có thể gây tổn thương sâu sắc, đồng thời ảnh hưởng nghiêm trọng đến suy nghĩ, nhận thức của trẻ về sau
  • Quan niệm và những áp lực mà xã hội áp đặt lên phụ nữ: đứng trước những quan điểm cho rằng phụ nữ phải ‘giỏi việc nước, đảm việc nhà’, nhiều người trong chúng ta bắt đầu dốc sức hi sinh cho gia đình, công việc,… Về lâu dài, điều này sẽ khiến ta dần quên mất mình là ai, thậm chí trở thành ‘cái bóng’ vì luôn chăm chăm sống vì người khác.

Trên thực tế, trong mỗi người luôn tồn tại hai khía cạnh song song: một nửa là ái kỷ, một nửa là bỏ bên bản thân ở mức độ nhất định nào đó. Tuy nhiên, thay vì để cán cân này lệch sang một bên, hãy cố gắng cân bằng chúng để thực sự trở thành một người yêu thương chính mình theo chiều hướng lành mạnh nhất.

Để nhanh chóng cập nhật những bài viết mới nhất, quý bạn đọc có thể kết nối với chúng tôi qua Fanpage:https://www.facebook.com/VNmedia2020 hoặc theo dõi kênh
Youtube: https://www.youtube.com/@VNmedia2020 để xem thêm nhiều video của chúng tôi nhé.

Silver (W)

Facebook
Twitter
Email

Có thể bạn quan tâm

Mới cập nhật