Vào một tối cuối tuần, tôi thả chân lang thang dạo quanh Hồ Con Rùa, cảm nhận cái se lạnh giữa Sài Gòn những ngày cuối năm. Khoác lên mình chiếc áo ấm mỏng nhẹ, bất chợt một cảm giác lâng lâng, dễ chịu đang đến dần như xua tan đi sự khó chịu của những chuỗi ngày dài nóng bức. Đường phố như trở nên nhộn nhịp, vui tươi hơn. Đâu đó vang lên tiếng cười nói ồn ào của nam nữ thanh niên tụ tập, ăn uống trong những tiệm cà phê, hàng quán rực rỡ sắc màu. Tiếng trẻ em vui đùa, chạy giỡn vang lên cả một góc đường tấp nập. Trong bầu không khí sống động giữa lòng Sài Gòn, bất chợt đâu đó vọng lên tiếng loa kẹo kéo, tiếng rao … của những mảnh đời mưu sinh đường phố, một cảm giác chạnh lòng chợt nhói trong tôi…
Từ trên cao, ánh đèn vàng hắt xuống mặt hồ phẳng lặng, bình yên, thỉnh thoảng, từng làn gió mát thổi qua làm cho mặt nước khẽ gợn sóng lăn tăn, vui nhộn. Tôi tản bộ trên con đường nhỏ lát gạch sạch sẽ bao quanh hồ, tận hưởng cái cảm giác thoải mái, dễ chịu ngày cuối tuần… Bỗng văng vẳng bên tai âm thanh mặt nước sóng sánh kéo theo tiếng lết chân của ai đó đang lội dưới hồ. Tôi bất giác ngẩng mặt lên và nhìn thấy một chú bé với thân hình gầy còm, giơ xương, gương mặt nhỏ thó, đen đúa, không một mảnh áo. Thứ em khoác lên người chỉ là một cái quần sooc củ kỷ. Em đang ngâm mình dưới nước và trên tay thì cầm một cái lon “ghi-gô”, một cây que châm lửa, cộng thêm một bình dầu hôi. Lọt thỏm giữa những tiếng cười nói hòa lẫn âm thanh ồn ào xe cộ qua lại cùng khúc nhạc trầm bổng, vui nhộn từ quán xá ven đường, em vẫn lầm lũi, chăm chỉ làm công việc mưu sinh của mình là “ngậm dầu hôi, thổi lửa và xin tiền”.
Bắt đầu cho công cuộc biểu diễn hay đại loại là diễn xiếc như các chương trình người ta hay dùng cho các “show” trên TV. Cái lon “ghi-gô” thì lớn mà tay em lại bé, thế là em dùng tay còn lại để kẹp cái lon vào nách, giữ cho nó cố định rồi bắt đầu tiết mục của mình. Em cầm bình dầu hôi, sau đó uống một ngụm cũng kha khá, rồi em dùng quẹt gas bật lửa, châm vào que cho cháy lớn rồi cất tiếng hô “oay” thật to để nhằm thu hút mọi người xung quanh đó. Tiếp theo, em quay ngọn lửa làm mấy vòng xoay tròn rồi lại méo… và cuối cùng thì bỏ vô miệng và khà ra những ngọn lửa lớn. Những ngọn đuốc được tẩm xăng, dầu cứ thế cháy rực đỏ cả một góc đường, thỉnh thoảng, những ngọn gió lớn len lõi thổi qua làm bùng lên ngọn lửa táp vào mặt em nóng bừng. Nhìn hình ảnh này làm tôi liên tưởng đến thời đại kỷ Jura, nơi có những con Khủng Long to lớn, dữ dằn, hay những câu chuyện tôi được đọc kể về những con Rồng phun lửa. Nhưng không, đây chỉ là một chú bé tí hon, không nhà, lang thang kiếm sống bằng nghề diễn xiếc này. Giữa không khí se lạnh, tôi đứng đằng xa vẫn cảm nhận được sức nóng từ ngọn lửa khắc nghiệt ấy, thế mà em nhỏ này hằng đêm vẫn phải len lỏi mưu sinh giữa lòng con phố xa hoa, nhộn nhịp. Tôi ám ảnh mãi hình ảnh em ngậm dầu phun lửa, khuôn mặt căng thẳng, nhăn nhó của em hiện rõ cái cảm giác mệt mỏi, chán nản khi mà ngày nào cũng phải “ăn món khó nuốt” này, có lẽ thứ mà em nhận được sau “màn biểu diễn” là những “tai nạn nghề nghiệp” khi mà dám “đùa với lửa”, hơn ai hết, em hiểu rõ công việc này lắm hiểm nguy rình rập, vậy mà em vẫn bất chấp, rong ruổi khắp nơi để mà “làm việc” kiếm sống từng ngày.
(Ảnh sưu tầm)
Sau màn trình diễn tưởng chừng như rất độc đáo và đầy hãnh diện, lấy đôi bàn tay lau vội chiếc miệng nhỏ bé còn ám khói đen, em bắt đầu hướng đến những ánh nhìn và tiến gần lại những thực khách đang ngồi nhâm nhi cá viên chiên, bánh tráng nướng, khô mực nướng… , rụt rè cái lon “ghi-gô” trước mặt họ với ý “ xin hãy thưởng cho con vì màn trình diễn thú vị vừa rồi ”. Kẻ lắc đầu, người xua tay rồi bảo” đi ra chỗ khác cho tao nhờ!”. Cậu bé dường như đã quen với cách đối xử như vậy, nó bước đi mà gương mặt vẫn không hề tức giận hay buồn bã gì. Một màn trình diễn trong im lặng và khán giả cũng im lặng, không mấy ai quan tâm đến những “diễn viên xiếc” tầm thường như thế, đáp lại sau màn diễn là những cái tặc lưỡi, lắc đầu, một khoảng không trống rỗng hiện ra trước mắt nó với đôi mắt vô hồn, không một nụ cười, không một biểu cảm cứ thế dần trôi trong vô vọng. Cậu bé thất thểu bước đi và bắt đầu tiến gần đến chỗ tôi ngồi, rồi cũng làm động tác chìa cái lon “ghi-gô” trước mặt tôi. Tôi cười chào cậu bé bằng một nụ cười thương cảm và bắt đầu cuộc trò chuyện… Thằng bé bảo, nó không sống chung với gia đình lâu rồi, nó mới tầm chín tuổi thì phải, nhưng nhìn ngoại hình thì tôi đoán chừng sáu tuổi thôi vì nó bé xíu xiu à! Nó nói: “ Con sống lang thang ngoài đường và kiếm sống bằng nghề phun lửa này. Có lúc con không có được một bữa ăn nào, phải đi nhặt thức ăn người ta bỏ để có chút gì đó sống qua ngày, nhìn mọi người ngồi ăn uống, cười đùa vui vẻ mà con thèm lắm ”. Đối với nó, ước mơ về một gia đình được yêu thương, chăm sóc và được đến trường như bao bạn bè cùng trang lứa là một điều rất xa vời. Tôi thấy bùi ngùi quá đỗi. Tôi nói: “sao con không đi lên bờ mà đi ngâm dưới hồ vậy? Con có biết ngâm nước sẽ dễ bị cảm lạnh không?” Thằng bé cười nói: ” dạ, không sao đâu cô ơi! Con quen lắm rồi. Với lại con mạnh khỏe lắm. Cô đừng lo.” Tôi vừa nói vừa bảo nó leo lên bờ ngay lập tức: “nếu không cô sẽ không thưởng cho màn diễn của con đâu”. Nó vội leo lên bờ với cái quần ướt chèm nhẹp, run run như ớn lạnh. Dẫu biết rằng đối mặt với nghề này là biết bao nguy hiểm, rủi ro, nhưng cái nghèo hiện hữu trước mắt, thì em chẳng còn sự lựa chọn nào khác.
Màn đêm dần buông xuống lạnh lẽo, nhìn dòng người tấp nập qua lại, lạc lõng giữa phố phường nhộn nhịp, đông vui là những số phận, cuộc đời của biết bao trẻ em lang thang, bất hạnh. Con đường mưu sinh chưa bao giờ là dễ dàng, đối mặt với những công việc mà người lớn còn phải khiếp sợ, liệu sức khỏe các em sẽ bị tổn hại thế nào? Cần lắm những đôi bàn tay nồng ấm, thầm lặng góp thêm sức mạnh để giành lại một cuộc sống tốt đẹp hơn cho các em, để bầu trời tuổi thơ của các em không bị đánh rơi trên con đường mưu sinh gian nan, vất vả.
Teresa Quyên