Thế giới hiện nay đang phải đối mặt với nhiều thách thức về sức khỏe, từ sự bùng phát các loại dịch bệnh cho đến các bệnh lý nguy hiểm trong đó có ung thư – một loại bệnh mang tính chất khắc nghiệt nhất, làm tổn hao đến tinh thần, nguồn lực của người bệnh cũng như gia đình. Có rất nhiều yếu tố cấu thành nên sự gia tăng trầm trọng của căn bệnh này như ít hoạt động thể lực, ô nhiễm môi trường, không khí…, thậm chí từ những thói quen sinh hoạt không lành mạnh hàng ngày xung quanh chúng ta cũng ngấm ngầm tạo nên căn bệnh nguy hiểm này. Phổ biến nhất phải kể đến đó chính là hút thuốc, đây cũng chính là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến căn bệnh ung thư phổi, một trong những bệnh ung thư nguy hiểm và gây tử vong hàng đầu thế giới.
Về khía cạnh sinh học, ung thư đề cập đến các bệnh mà trong đó các tế bào bất thường phân chia vượt ngoài tầm kiểm soát và có khả năng xâm lấn các mô khác. Tế bào ung thư có thể lây lan đến các bộ phận của cơ thể thông qua hệ thống máu và bạch huyết. Có hơn 100 loại ung thư khác nhau, hầu hết các bệnh ung thư được đặt tên theo cơ quan hoặc loại tế bào mà chúng bắt đầu. Ví dụ, ung thư phổi bắt đầu ở phổi và ung thư thanh quản bắt đầu ở thanh quản… Các dấu hiệu và triệu chứng gây ra bởi ung thư sẽ thay đổi tùy thuộc vào bộ phận nào của cơ thể bị ảnh hưởng cũng như trong từng giai đoạn phát triển của mầm bệnh. Về cơ bản, ở giai đoạn mới bắt đầu nhiễm bệnh, cơ thể sẽ rất khó nhận thấy những dấu hiệu thay đổi khác biệt do các tế bào này vẫn “lưu trú” tại chỗ, chưa có sự xâm lấn sang các mô xung quanh để gây nên những bất thường rõ rệt. Nhưng qua thời gian, các tế bào ung thư này sẽ tăng sinh và bành trướng dần, tạo nên những dấu hiệu thay đổi ngày càng rõ rệt đối với cơ thể. Tùy vào cơ quan bị ung thư tấn công sẽ có những triệu chứng gây ra khác nhau như: nổi u, cục ở bất kỳ bộ phận nào của cơ thể, giảm hoặc tăng cân không rõ nguyên nhân do vết thương không hoặc rất lâu lành, khàn giọng hoặc do dai dẳng, chảy máu hoặc tiết dịch bất thường, cảm thấy yếu, mệt mỏi…
Hình minh họa Tế Bào Ung Thư.
Tốc độ ung thư phát triển rất nhanh, các tế bào, khối u to lên, nhân rộng gây ra nhiều biểu hiện phức tạp và biến chứng nguy hiểm tại các cơ quan mà nó di căn tới. Điển hình như căn bệnh ung thư phổi, một loại bệnh ung thư thường gặp, khó phát hiện nhất với kết quả điều trị khá thấp và tỷ lệ gây tử vong gần như cao nhất hiện nay. Ung thư phổi được gây ra do các tế bào phân chia trong phổi không kiểm soát được, gây ra sự phát triển của các khối u làm giảm khả năng hô hấp của cơ thể. Những người có thói quen hút thuốc thường xuyên sẽ có nguy cơ cao mắc bệnh ung thư phổi, chất độc trong khói thuốc lá có thể làm suy yếu hệ thống miễn dịch của cơ thể, khiến việc tiêu diệt tế bào ung thư trở nên khó khăn hơn. Khi điều này xảy ra, các tế bào ung thư tiếp tục phát triển mà không bị dừng lại. Các chất độc trong khói thuốc lá có thể làm hư hỏng hoặc thay đổi cấu trúc DNA của tế bào. DNA là “sổ tay hướng dẫn” của tế bào, giúp kiểm soát sự phát triển và chức năng bình thường của tế bào. Nhưng khi DNA bị hư hại, một tế bào có thể bắt đầu phát triển ngoài tầm kiểm soát và tạo ra một khối u ung thư.
Hiện nay, tuy các phương pháp điều trị y khoa đã ngày một tốt hơn, nhưng ung thư phổi vẫn giết chết nhiều nam giới và phụ nữ hơn bất kỳ loại ung thư nào khác. Khói thuốc là sự kết hợp của khói từ đầu điếu thuốc đang cháy và khói do người hút thuốc thở ra, thế nên ung thư phổi không chỉ đến từ những người nghiện thuốc lá mà ngay cả việc hít phải khói thuốc trong thời gian dài cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Theo thống kê tại Hoa Kỳ, hơn 7 ngàn 300 người không hút thuốc chết mỗi năm vì ung thư phổi do khói thuốc gây ra, đàn ông đang bị ung thư tuyến tiền liệt hút thuốc có nhiều khả năng tử vong vì ung thư tuyến tiền liệt hơn những người không hút thuốc. Ngoài ra, các sản phẩm thuốc lá không khói chẳng hạn như thuốc lá nhai cũng gây ra các bệnh ung thư như ung thư thực quản, miệng và cổ họng, ung thư tuyến tụy. Thế nên việc sử dụng bất kỳ sản phẩm thuốc lá không khói nào không được coi là an toàn cho việc từ bỏ hút thuốc.
Sự gia tăng chóng mặt của căn bệnh ung thư hiện nay cũng đến từ yếu tố tiền sử gia đình. Một số nghiên cứu cho thấy rằng, những người có người thân bị ung thư phổi khả năng sẽ mắc bệnh cao hơn gấp đôi so với những người có người thân khỏe mạnh. Nếu như hút thuốc là yếu tố nguy cơ mang tính chủ động thì tiền sử gia đình được xem như là yếu tố bị động, không thể thay đổi được.
Hút thuốc có nguy cơ gây ung thư phổi ?
Ung thư phổi thật sự là một bệnh lý nguy hiểm và là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn tới các ca tử vong liên quan đến ung thư trên toàn thế giới. Thế thì liệu rằng cuộc đời sẽ đặt dấu chấm hết hay không khi chẳng may chúng ta mắc phải căn bệnh quái ác này? Điều này hoàn toàn không bởi nếu bệnh được phát hiện sớm thì có khả năng sẽ được chữa khỏi hoàn toàn, tăng thời gian sống cũng như chất lượng sống cho bệnh nhân. Với nền y học ngày càng hiện đại, hoạt động tầm soát ung thư sẽ giúp phát hiện bệnh ngay từ những giai đoạn sớm khi chưa có biểu hiện, nhờ đó bác sĩ sẽ đưa ra được phác đồ điều trị bệnh hợp lý, giúp tăng khả năng chữa trị bệnh, giảm tỷ lệ tử vong tối đa do ung thư phổi. Đối với những người đã hút thuốc nhiều năm có thể xem xét việc tầm soát ung thư phổi. Xét nghiệm tầm soát ung thư phổi duy nhất được khuyến nghị là chụp cắt lớp vi tính liều thấp (còn được gọi là chụp CT liều thấp, hoặc LDCT). Trong thử nghiệm này, một máy X-quang quét cơ thể bằng cách sử dụng liều lượng bức xạ thấp để tạo ra hình ảnh chi tiết của phổi, giúp phát hiện kịp thời những tổn thương có khả năng gây ung thư phổi để có biện pháp phòng ngừa sớm. Lực lượng Đặc nhiệm Dịch vụ Dự phòng Hoa Kỳ khuyến nghị nên tầm soát ung thư phổi hàng năm bằng LDCT cho những người trong độ tuổi từ 50 đến 80 vẫn đang hoặc đã ngừng hút thuốc trong vòng 15 năm qua và có tiền sử hút thuốc lá nặng (một gói mỗi ngày trong 20 năm hoặc hai gói mỗi ngày trong 10 năm). Lực lượng đặc nhiệm cũng khuyến cáo rằng việc sàng lọc ung thư phổi hàng năm sẽ chấm dứt khi một người không hút thuốc trong 15 năm, hoặc phát triển một vấn đề sức khỏe khiến người đó không muốn hoặc không thể phẫu thuật nếu phát hiện ung thư phổi. Tàm soát ung thư phổi có thể dẫn đến những lợi ích và rủi ro xảy ra, nhận được sự tư vấn từ bác sĩ của bạn trong giai đoạn này là thật sự cần thiết để có thể đưa ra những quyết định đúng đắn và an toàn.
Hãy nhớ rằng, tầm soát ung thư phổi không thể thay thế cho việc bỏ thuốc lá, cách tốt nhất để giảm nguy cơ mắc bệnh là “nói không” với khói thuốc. Chẳng khi nào là quá muộn để ngừng hút thuốc, nên ngừng càng sớm càng tốt. Ngay cả khi không thể bỏ thuốc lá hoàn toàn, việc giảm số lượng thuốc lá bạn hút mỗi ngày cũng đã là việc hữu ích mà bạn đã cố gắng để thực hiện. Việc từ bỏ thuốc lá không chỉ an toàn cho chính bản thân mình mà còn cho cộng đồng, cho những người thân xung quanh bạn – những người cũng sẽ có nguy cơ mắc bệnh từ thói quen gây hại nơi bạn. Ăn uống lành mạnh, chăm thể dục thể thao, nâng cao nhận thức và tránh xa khói thuốc vì một môi trường sống xanh sạch và khỏe mạnh.
Dược sĩ Tùng Lê