Bên cạnh những hình thức bắt nạt trực tiếp bằng lời lẽ xúc phạm hay bạo lực thông thường, nhiều người đã và đang trở thành nạn nhân của Intellectual Bully – một phiên bản tinh vi hơn của sự tấn công nhằm nhấn chìm đối thủ. Vượt qua ranh giới của việc khoe khoang đơn thuần, sự hiện diện Intellectual Bully có thể khiến chúng ta hoàn toàn mất đi niềm tin cần thiết về giá trị của bản thân.
Intellectual Bully là gì?
Hiểu một cách đơn giản, Intellectual Bully là từ dùng để chỉ hành vi bạo hành tri thức, xảy ra khi ai đó cố tình dùng kỹ năng và kiến thức của mình để công kích hoặc dè bỉu người khác. Kẻ bắt nạt thường là những người ‘học cao hiểu rộng’ và nắm vững kiến thức liên quan đến một lĩnh vực cụ thể nào đó. Tuy nhiên, thay vì sử dụng chúng vào các mục đích chính đáng, lành mạnh thì họ lại dùng nó để hạ thấp đối phương.
Intellectual Bully là từ dùng để chỉ hành vi bạo hành tri thức
Nếu so với các dạng bạo lực cảm xúc và tâm lý khác thì hiện nay, ảnh hưởng nghiêm trọng Intellectual Bully dường như vẫn chưa được nhìn nhận đúng mức. Thậm chí, trong nhiều tình huống, điều này còn bị nhầm lẫn (hay ‘lãng mạn hóa’) thành một kiểu bộc lộ năng lực và cá tính tự nhiên.
Nhìn chung, tình trạng bắt nạt bằng tri thức có thể xảy ra ở bất cứ môi trường thực tế nào, điển hình nhất là nơi làm việc và trường học. Đáng buồn thay, hiện tượng này đang ngày càng trở nên phổ biến, nhất là dưới sự ‘châm ngòi’ mạnh mẽ của các trang mạng xã hội.
Sự ra đời của Intellectual Bully
Khái niệm Intellectual Bully được đề cập lần đầu tiên vào khoảng năm 1857, xuất hiện trong một bài viết đăng tải trên tờ The Economist (Anh). Kể từ đó trở về sau, cụm từ này bắt đầu được sử dụng phổ biến hơn, nhất là đối với các nhóm nội dung hoặc công trình nghiên cáo có liên quan đến chính trị, văn chương và khoa học xã hội. Bên cạnh đó, Intellectual Bully còn phổ biến trong các tài liệu, sổ tay tuyên truyền về tâm lý và cách bảo vệ bản thân dành cho nữ giới đương thời.
Khái niệm Intellectual Bully được đề cập lần đầu tiên vào khoảng năm 1857
Dấu hiệu của Intellectual Bully
Một số dấu hiệu nhận biết thường gặp ở kẻ bạo hành trí tuệ gồm:
– Phớt lờ và coi thường ý kiến, quan điểm của người khác
– Thóa mạ, dè bỉu và chế nhạo người khác
– Liên tục đề cập, khoe khoang thành tích
– Vô cảm, không quan tâm đến những vấn đề của người xung quanh
– Luôn giữ suy nghĩ mình là số 1, mình là giỏi nhất
– Không chấp nhận được việc ý kiến, quan điểm của mình bị người khác bác bỏ
Những kẻ bắt nạt luôn coi mình là người tài giỏi nhất
Cách đối phó với Intellectual Bully
Như đã nói ở trên, Intellectual Bully sẽ để lại hậu quả sâu sắc đến tâm lý và tinh thần của nạn nhân. Do đó, nếu không may gặp phải tình trạng này, bạn có thể vận dụng những chiến lược đối phó như sau:
– Tập trung thực hiện công việc, mục tiêu của mình thay vì để tâm đến lời nói không hay của họ
– Đáp trả lại một cách khéo léo bằng cách đối thoại hoặc chứng minh bằng hành động
– Bình tĩnh và kiểm soát thái độ, biểu cảm và hành vi của bản thân
– Tìm kiếm sự giúp đỡ, hỗ trợ từ người khác
– Giúp đỡ những nạn nhân của Intellectual Bully chống lại thói xấu này
Đáp trả một cách khôn khéo sẽ khiến kẻ bắt nạt phải dè chừng
Để thực sự đương đầu được với hiện tượng bắt nạt ‘kín kẽ’ này, bạn cần phải xây dựng một mối quan hệ lành mạnh với bản thân, hiểu được giá trị của mình và không để kẻ khác có quyền khích bác hay phán xét. Đây là quá trình vô cùng quan trọng, giúp bạn không còn cảm thấy thua kém hay lép vế khi đứng trước những kẻ luôn cho rằng mình giỏi giang hơn người khác.
Huyền Long