Thế là hết 12 tuần nghỉ sinh để trở lại với công việc, hai vợ chồng bước vào giai đoạn đau đầu không biết gửi con thế nào đây?
“Gửi bé đi nhà trẻ vậy” – một người bạn thân của tôi gợi ý nhưng liệu có ổn không đây khi mà bé còn quá nhỏ cộng thêm chi phí gửi trẻ tại Hoa Kỳ khá đắt đỏ, tiêu tốn có khi cả tháng lương người đi làm nên phải cân nhắc thật kỹ.
(Hình from Storyblocks)
“Bà chăm cháu sẽ tốt hơn đi gửi sớm, cứ đem về Việt Nam mẹ nuôi cho đến lúc đi học thì về Mỹ lại, mẹ còn khỏe, mẹ trông được”- Mẹ tôi thương con thương cháu gợi ý giúp. Đây cũng là giải pháp mà một số gia đình người Việt sinh sống tại đây lựa chọn như tôi ở thời điểm đó.
Vậy mà vợ chồng tôi đã quyết định tự sắp xếp việc chăm con một cách tự lập, không ông bà, không gửi trẻ, đến nay nhóc Tony đã gần 2 tuổi rồi. Sống giữa Hoa Kỳ cạnh tranh, đắt đỏ, hai vợ chồng cũng suy nghĩ nhiều cách để làm sao cố gắng duy trì công việc cho cả hai nhưng cuối cùng đi đến thỏa thuận tôi sẽ ở nhà trông con và chăm sóc gia đình cho chồng yên tâm đi kiếm tiền. Chưa có con thì cố gắng nơi đâu cũng được, nhưng giờ tất cả phải vì con, con cái có khỏe mạnh thì ba mẹ mới yên tâm làm việc.
Thời gian đầu ở nhà, sự bận rộn luôn vây quanh một người mẹ có con nhỏ, loay hoay việc nhà và em bé, thật tôi cũng hơi lúng túng và có chút thiếu kinh nghiệm sắp xếp. Nhóc còn nhỏ nên chiếm “quỹ thời gian” của mẹ khá nhiều, từ việc dỗ dành, bế bồng đến uống sữa, thay tã…cứ liên tục trong ngày.Tôi chỉ có thể rảnh tay những lúc con ngủ, mà cũng không ngồi hay nằm chơi được đâu nhé, tôi cũng tranh thủ để dọn dẹp nhà cửa, lo cơm nước, tính chất công việc chồng tôi lại thường về muộn nên “giờ lao động” của tôi cũng khá dày đặc. Nghĩ lại lúc mới sinh, may mắn là có mẹ tôi từ Việt Nam sang giúp một tháng sau sinh, tôi mới có thời gian nghỉ ngơi và hồi phục, chứ lúc đó mà một mình tôi xoay sở như lúc này thì chắc tôi đuối mất.
Quanh quẩn cả ngày với con tuy có mệt nhưng vui khi được ngắm nhìn con khôn lớn từng ngày, mà cũng an tâm vì tự tay mình được chăm sóc con, dành cho con những điều tốt nhất. Việc gì cũng có khó khăn thuở ban đầu nhưng rồi cũng sẽ vào nề nếp, tôi đã dần quen với công việc của một người mẹ cho gia đình, niềm vui hiện tại là gia đình và con cái. Tôi cũng may mắn khi có một anh chồng cũng khá tâm lý, thương tôi vất vả nên đi làm về anh lao vào với con ngay, đêm thì giành phần cho con bú để tôi được nghỉ ngơi, giảm áp lực căng thẳng.
Ngày tháng bận rộn cứ thế trôi qua với gia đình chúng tôi: Sáng chồng đi làm, vợ ở nhà chăm sóc con, dọn dẹp nhà cửa, tối về chồng trông con, vợ nghỉ ngơi. Cuối tuần cả nhà trọn vẹn bên nhau, cùng đi công viên, dạo phố… Tôi thấy cuộc sống hiện tại khá thú vị và hài lòng.
(Ảnh minh họa)
Giai đoạn con lớn hơn một chút, khoảng gần 1 tuổi, tôi rèn con cách ăn, ngủ nề nếp nên cái vất vả của tôi cũng đỡ hơn phần nào, tôi cũng đã có thêm nhiều thời gian cho bản thân. Tôi bắt đầu tìm hiểu về các công việc có thể làm tại nhà vừa vui mà vừa có chút thu nhập. Được một người bạn hướng dẫn cách làm bánh, tôi tập tành làm thử từ cái dễ nhất. Được cái cũng có khả năng nấu nướng mà khiến “chồng khen nức nở” nên tôi học cũng nhanh lắm, một thời gian ngắn thôi tôi đã có thể làm được nhiều loại bánh một cách thành thạo. Tôi đăng hình những “tác phẩm” lên facebook, ban đầu chỉ là thấy “đẹp nên khoe”, vậy thôi, nhưng hình ảnh bắt mắt, ngon miệng mà đơn hàng mỗi lúc nhiều hơn từ bạn bè, hàng xóm và có cả khách vãng lai. Tôi quay cuồng với núi công việc, mệt nhưng vui, do thừa hưởng sở thích nấu nướng từ mẹ truyền lại nên việc xoay quanh cái bếp, lò nướng mỗi ngày lại khiến tôi thêm thích thú, hăng say.
Giai đoạn quyết định bỏ việc ở nhà chăm con, bản thân cũng có chút tiếc nuối thật, nhưng đúng là “đóng cảnh cửa này lại sẽ có cơ hội cho cánh cửa khác mở ra”, giờ đây được làm công việc mình yêu thích, đúng sở thích lại được gần con mỗi ngày, hạnh phúc còn gì bằng.
Thật sự tự tay chăm sóc con mang lại nhiều lợi ích đáng kể đấy. Bạn độc lập trong việc nuôi con, không phải lo lắng về cách chăm trẻ của người khác có tốt không, tự mình lên kế hoạch, lựa chọn điều tốt nhất cho con mình và gia đình. Hoặc việc giao con cho ông bà cũng không phải là cách mà vợ chồng tôi ưu tiên lựa chọn, ông bà cũng đã có tuổi, cần nghỉ ngơi, có thể vì thương con, yêu cháu mà sẵn sàng giúp đỡ nhưng mình phải hiểu rằng trách nhiệm chăm cháu thật rất vất vả và không dễ dàng gì, bản thân làm ba mẹ nên tự gánh vác trách nhiệm về con cái chứ không phải đẩy hết cho ông bà. Thêm nữa, phí gửi trẻ, thuê người giúp việc tại Hoa Kỳ tiêu tốn con số không hề nhỏ nên việc tự chăm con sẽ giúp gia đình tiết kiệm được một khoản tiền nhất định. Thời gian qua đi, gia đình có sự gắn kết với nhau hơn, cùng ngắm nhìn khoảnh khắc con khôn lớn từng ngày, đếm mỗi bước con đi, vui mừng nghe con “ê a” tập nói… Hạnh phúc đến từ những điều giản đơn như vậy đấy.
Nhưng để hoàn thành tốt những lợi ích này thì cần vợ hoặc chồng phải ở nhà toàn thời gian là điều tất yếu, ít nhất là trong 5 năm đầu cho đến khi con đủ tuổi đi học. Đa số gia đình là mẹ sẽ làm công việc “toàn thời gian”, ba đi làm. Nếu hai vợ chồng thỏa thuận được sự sắp xếp thì mới làm tốt được việc chăm sóc con cái vì thật sự rất khó có thể chu toàn được cả công việc và gia đình khi con còn quá nhỏ.
Lựa chọn đi làm hay ở nhà chăm sóc gia đình, con cái là một sự cân nhắc không hề đơn giản, tùy vào hoàn cảnh gia đình và sự thỏa thuận của cả hai vợ chồng. Ở một đất nước xa xôi, không gia đình, không người thân bên cạnh và gia đình tôi đã có sự lựa chọn đúng đắn như thế đấy. Ban đầu cũng có chút khó khăn nhưng sau mọi chuyện cũng ổn. Con cái có được sự chăm sóc tốt nhất và tôi cũng có cơ hội trải nghiệm công việc yêu thích của mình. Có khó khăn đấy, có vất vả đấy, nhưng quyết tâm và vợ chồng đồng lòng, bạn vẫn có thể thực hiện được. Vấn đề là bạn có muốn hay không, có cảm thấy gia đình tốt hơn khi lựa chọn theo cách này không, và có chấp nhận được những hy sinh, vất vả phải có hay không. Hơn nữa, việc ở nhà này cũng không phải là mãi mãi, mai này khi con lớn hơn chút đến tuổi đi học, bạn vẫn có thể bước vào giai đoạn quay trở lại phát triển công việc, tổng thể thời gian này sẽ không là quá dài đâu cho một khởi đầu mới tốt hơn sau này.
Để đi đến lựa chọn này là cả sự quyết tâm và cố gắng không mệt mỏi của cả hai vợ chồng, cùng thỏa thuận và đồng hành, tất cả vì niềm vui con cái và hạnh phúc gia đình. Một hành trình dài, một sự lựa chọn lớn, xen lẫn những niềm vui, hạnh phúc là cả sự hi sinh và đánh đổi. Những gia đình đã, đang hoặc sẽ có con nhỏ hãy sống thật tự tin, mạnh mẽ và độc lập trong mọi quyết định của mình. Sự lựa chọn nào cũng tạo nên giá trị của nó, quan trọng là sự đồng lòng và quyết tâm của các thành viên để gia đình thật sự là nơi bình yên, ấm êm nhất.
Anh Anh