Search
Close this search box.
Search
Close this search box.

Người ấy là cha tôi

Facebook
Twitter
Email
Cứ vào chủ nhật thứ ba của tháng 6, hình bóng người cha của mỗi chúng ta lại xuất hiện một cách rõ nét nhất phải không các bạn? Không giống như những người mẹ, cha luôn luôn lặng thầm, ân cần dạy dỗ con cái mà không cần quá phô trương.

Ba dựng xe ở đó, bên lề và cầm tay tôi dẫn qua đường – Nguồn ảnh từ Internet

Còn nhớ thuở tôi lên sáu hay bảy tuổi gì đó, tôi còn nhớ như in ngày hôm ấy. Tôi bị sốt, nằm mê man không nói luyên thuyên như khi mạnh khỏe. Ba ngồi đó bên cạnh tôi, ánh mắt đượm vẻ lo lắng, khẽ xoa đầu rồi ba cất giọng nhẹ nhàng đầy ấm áp: “Con gái à! Mau khỏe lại nha con. Ba thương con lắm”! Tôi nghe rõ lắm thế nhưng không thể đáp lại, vì cơn sốt hành hạ làm môi miệng tôi khô ran, cứng đờ. Nói đoạn, ba lại bóp tay, bóp chân cho tôi với niềm hi vọng tôi sẽ mau chóng trổi dậy và chạy nhảy khắp nhà như mọi khi. Rồi sau đó tôi cũng khỏi bệnh, rời khỏi giường và nhảy chân sáo khắp nơi. Thời thơ ấu trải qua thật nhanh làm sao, phút chốc tôi bây giờ chuẩn bị tốt nghiệp cấp 3. Còn vài ngày nữa là đến ngày tôi xách cặp đi thi tuyển sinh vào các trường Đại học, kiểu như các sĩ tử ngày xưa lều chõng lên kinh thành ứng thí. Tôi soạn tài liệu, thẻ học sinh, phiếu báo danh, bút viết, thước kẻ vân vân và mây mây, rồi đến quần áo. Lúc này, nhìn lại tủ đồ, tôi buồn lắm vì không có chiếc áo sơ – mi trắng mới nào để mặc đi thi. Quan sát thấy tôi rầu rĩ, ba không nói gì rồi lặng lẽ rời nhà mà tôi không hề hay biết. Sáng hôm sau, ba gọi tôi lại và đưa tôi một cái túi rồi nói: “Cho con gái nè! Chúc con có một kỳ thi tốt đẹp”! Tôi ôm chầm lấy ba, rối rít cám ơn vì bây giờ nỗi lo lắng đã phút chốc biến tan, mà thay vào đó là niềm hạnh phúc bất tận. Kỳ thi cũng trôi qua nhanh và tôi đã chính thức trở thành cô sinh viên năm nhất của trường Đại Học Mở Bán Công, tọa lạc tại số 97 Võ Văn Tần Quận 3, Sài Gòn.

Đôi bàn tay ấy nay đã nhuộm màu mưa nắng, gân guốc nổi lên rõ rệt, những vết chai sần nhấp nhô – Nguồn ảnh từ Internet

Hết năm nhất rồi lại tiếp các năm sau, cứ thế tôi lớn lên mỗi ngày, và ba thì già đi thấy rõ. Còn nhớ buổi trưa hôm ấy, ba chở tôi qua nhà bạn Tuyết Hằng để đốt Tết, đó là ngày mùng 5, bầu không khí vẫn còn sôi nổi lắm. Sắp tới nhà bạn, tôi nói ba để tôi tự băng qua đường và kêu ba về nhà. Đố các bạn là ba tôi có chịu cho tôi băng qua đường một mình không? Chắc chắn là không rồi các bạn ạ! Ba dựng xe ở đó, bên lềvà cầm tay tôi dẫn qua đường. Đôi bàn tay ấy nay đã nhuộm màu mưa nắng, gân guốc nổi lên rõ rệt, những vết chai sần nhấp nhô như những ổ gà ở những con đường xấu. Lúc đó tôi lấy làm ngại với chúng bạn vì lớn rồi mà còn để ba dắt qua đường, nhưng trong lòng tôi lại thấy hạnh phúc hơn các bạn vì biết rằng ba rất thương tôi nên mới làm như vậy. Năm tháng thật khắc nghiệt biết dường nào, vầng trán cao cao ấy nay đã in hằn nhiều vết nhăn như ruộng bậc thang ở Sapa. Rồi chiếc lưng đã từng làm ngựa cho tôi cưỡi nay đã hóa lưng tôm, dáng đi lom khom, chậm chạp. Còn tôi lúc này đã tốt nghiệp đại học và là một nhân viên xã hội, làm việc cho một tổ chức Pháp là nơi giúp các trẻ em đường phố có cơ hội được hòa nhập xã hội và có một tương lai tốt đẹp. Cứ tưởng cuộc sống cứ thế em đềm trôi qua, nhưng không các bạn ạ. Một buổi tối nọ, vào ngày sinh nhật của má tôi. Ba đi làm về rồi chở má đi mừng sinh nhật, đang chạy trên đường thì bỗng dưng chiếc xe loạng choạng, má tôi ngồi sau thấy kỳ lạ nên nói ba tấp vào lề. Vừa lúc đó, má tôi thấy miệng của ba mấp máy nói gì không rõ, rồi cánh tay phải buông xuống thả lỏng. Vừa lo lắng lại sợ hãi, má tôi gọi điện cho tôi và thế là tôi lập tức chạy đến chỗ ba má đang đợi. Tôi vừa đến thì đưa ba ngay vào bệnh viện gần đó. Ba được chuẩn đoán là bị thiếu máu não. Từ lúc đó ba tôi phải nằm viện để điều trị. Vốn là người tự lập nên ba thật khó chịu khi việc nói năng và đi lại phải nhờ người thân giúp đỡ. Ba cố gắng tập đi, tập nói mỗi ngày để mau chóng hồi phục. Sau đó, ba tôi được cho về nhà và đi tập vật lý trị liệu. Ngày xưa ngồi sau lưng để ba chở thì hôm nay tôi lại có vinh dự chở ba, nhưng sao nước mắt tôi lại rơi mặn chát, đắng ngét. Cũng đôi tay dắt tôi qua đường thuở nhỏ, nhưng nay lại không thể ôm tôi chặt nữa rồi. Tôi thương ba lắm, không dám khóc thành tiếng và luôn im lặng mỗi khi ba khó chịu trong người thì thường hay lớn tiếng với tôi. Nay ba đã ở tuổi thất thập cổ lai hy, tuổi bảy mươi tròn trịa với cái miệng móm mém, chỉ có thể ăn những món ăn thật mềm và nhừ thật nhừ. Khi nấu cơm, tôi cũng phải nấu thật nhiều nước để cơm được mềm cho ba ăn dễ hơn. Cuộc sống vẫn cứ thế tiếp nối.

Bố là tất cả bố ơi! – Nguổn ảnh từ Internet

Ngày…tháng…năm…cứ thế trôi qua, cha chúng ta già đi mỗi ngày và sức khỏe của họ cũng tỷ lệ thuận với số tuổi. Phận làm con, chúng ta hãy cùng nhau mang đến cho cha những niềm vui đơn giản nhất như dành chút thời gian trong ngày ngồi trò chuyện, vấn an cha, kể cha nghe những câu chuyện thường ngày…Tôi chắc chắn cha sẽ rất vui và hạnh phúc. Các bạn có đồng ý với tôi không? Nhân ngày lễ của các người cha tôi cầu chúc cho tất cả những người cha được mạnh khỏe, an yên và hạnh phúc với con cháu.

Con yêu ba nhiều lắm!

Teresa Quyên

Facebook
Twitter
Email

Có thể bạn quan tâm

Mới cập nhật

Tôn Sư Trọng Đạo (Phần 01)