Khi quan sát đời sống hàng ngày của trẻ, nhiều bậc phụ huynh thường có xu hướng can thiệp khi nhận thấy trẻ tỏ ra buồn chán. Tuy nhiên, nghiên cứu của các nhà khoa học đã chứng minh điều ngược lại: trạng thái buồn chán có thể mang đến những tác động rất tích cực đối với sự phát triển toàn diện của bé nếu được tận dụng đúng cách.
Kích thích trẻ khám phá nhiều hơn
Trên thực tế, buồn chán chỉ là một phản ứng cảm xúc bình thường, nảy sinh tự nhiên và mang tính lành mạnh. Việc duy trì được một tần suất buồn chán hợp lý có thể kích thích trẻ mày mò, khám phá nhiều hơn. Do đó, thay vì cố gắng lấp đầy thời gian biểu của con bằng một danh sách các hoạt động liên tục, cha mẹ nên cho trẻ ‘được buồn chán’ khi cần thiết. Lúc này, bạn có thể hướng dẫn con chủ động xử lý tình trạng này bằng việc tạo ra một trò chơi mới, đọc một cuốn sách hay vẽ một bức tranh chẳng hạn.
Sự buồn chán giúp kích thích trẻ khám phá nhiều hơn
Tăng cường khả năng sáng tạo
Trẻ em có nhu cầu rất lớn về việc dành thời gian cho riêng mình. Điều này cho phép chúng được quyền thả trôi theo trí tưởng tượng, những mơ mộng và thú vui, sở thích của riêng mình. Đây cũng là con đường rộng mở để trẻ tự mình tìm ra những năng khiếu tiềm ẩn bên trong một cách tự nhiên nhất.
Những khoảng nhàm chán đơn thuần có thể giúp trẻ tăng khả năng sáng tạo
Bên cạnh đó, chúng ta vẫn thường bị đóng khung trong suy nghĩ rằng ‘trẻ con phải hoạt động thật nhiều thì mới có thể phát triển toàn diện’. Thế nhưng, việc được tận hưởng những ‘khoảng trắng’ nhất định sẽ giúp trẻ nhìn sâu vào bên trong và chủ động kích thích óc sáng tạo của chính mình.
Một tín hiệu báo động cần thiết
Trẻ em thường hay phàn nàn rằng chúng cảm thấy thật nhàm chán và không có gì thú vị. Ở một khía cạnh nào đó, điều này đóng vai trò như một tiếng còi báo động để cha mẹ biết rằng những gì mình chuẩn bị cho con không còn phù hợp. Đó có thể là những trò chơi, thử thách hoặc bài học quá khó, quá dễ, thiếu ý nghĩa,… Khi nhận thấy con trẻ phát ra tín hiệu này, cha mẹ có thể hướng dẫn bé cách để sử dụng thời gian nhàn rỗi một cách hợp lý, chủ động hơn.
Buồn chán cũng có thể là một tín hiệu báo động hiệu quả
Khi nào thì sự buồn chán cần được chú ý?
Song song với việc tận dụng những khía cạnh tích cực như đã nói ở trên, các bậc phụ huynh cần nhận diện chính xác đâu là lúc mà sự buồn chán trở nên nguy hiểm. Cụ thể:
- Biểu hiện của chứng Tăng động giảm chú ý (ADHD): Trẻ thường xuyên cảm thấy buồn chán hoặc có xu hướng dễ buồn chán hơn bình thường
- Quá trình học tập không hiệu quả cả ở trường lẫn ở nhà khiến trẻ cảm thấy buồn chán quá mức
- Buồn chán kèm theo những thói quen tiêu cực như quấy khóc, ném/ phá hủy đồ đạc, la hét, chơi game, xem tivi,… để giải tỏa tâm trạng
Dễ buồn chán là một biểu hiện tiêu biểu của chứng ADHD
Cha mẹ cần làm gì khi thấy con buồn chán?
Để đối diện và tận dụng sự buồn chán của con một cách lành mạnh, cha mẹ nên:
- Phân biệt giữa việc trẻ thực sự cảm thấy buồn chán với lúc trẻ than phiền để nhận được sự chú ý
- Hướng dẫn con đối phó với sự buồn chán bằng cách chủ động đưa ra các lựa chọn mang tính giải quyết thay vì tìm cách đánh lạc hướng vấn đề
- Rèn luyện cho con khả năng tự chơi đùa một mình cũng như nắm rõ giới hạn tự chơi của từng lứa tuổi
- Tạo cho con thói quen đối diện với buồn chán với sự hào hứng, tạo động lực để con tự vượt qua bằng sự nhẫn nại và kích khởi tiềm năng sáng tạo tự nhiên
Cha mẹ nên dạy con cách đối diện với sự buồn chán một cách lành mạnh
Sự buồn chán là một phản ứng mang tính bản năng và có thể gặp phải ở bất cứ độ tuổi nào. Tuy nhiên, thay vì can thiệp quá nhiều vào đời sống của con, các bậc cha mẹ có thể hướng dẫn con đón nhận và xử lý nó một cách nhẹ nhàng, lành mạnh.
Huyền Long