Search
Close this search box.
Search
Close this search box.

Nó là ai?

Facebook
Twitter
Email

Giữa nhịp sống ồn ào, náo nhiệt ở Sài Gòn, bắt gặp đâu đó là hình ảnh những đứa trẻ mang trên mình cuộc sống cơ cực, lang thang cùng ba mẹ trên những chặng đường mưu sinh. Những thân hình bé xíu xiu, những đôi chân ngắn lũn cũn, rong ruổi trên khắp mọi nẻo đường và câu chuyện về Nó bắt đầu từ đây. Một con bé mới chỉ lớp ba, người thì nhỏ thó, chân tay khẳng khiu, lùn tịt, lại còn có nước da bánh mật nữa chứ. Nhìn vào ai cũng nói “cô bé bị suy dinh dưỡng”. Có lẽ sinh ra trong một gia đình nghèo khó nên Nó mới thiếu ăn đến thế. Má đưa cho nó một cái ấm nước, được làm bằng nhôm rồi nói: “Xuống dưới Ga cùng với má đi bán trà đá nha con!” Con bé chỉ biết “dạ” một tiếng, rồi lủi thủi đi theo chân má.

Nó được sinh ra và lớn lên tại một thành phố lớn, Thành phố Hồ Chí Minh, hay người ta vẫn thường gọi với hai từ thân thuộc đó là “Sài Gòn”. Ngay từ lúc Nó bắt đầu biết đến A Bờ Cờ … thì Nó đã nhận ra ngay trước nhà mình là cái đường ray xe lửa với những âm thanh ồn ào, khó chịu. Ngày nào cũng như ngày nấy, tiếng xe lửa ầm ầm chạy qua, mang theo tiếng ken két của chiếc bánh xe bám vào đường ray nghe điếc cả tai. Nhà có tới năm miệng ăn, nên ba má Nó vất vả, lao đao lắm. Ba thì đi bán tranh dạo trên chiếc xe đạp cà tàng từ sáng đến chiều tối, có ngày bán được, có ngày thì buồn bã ra về mà không bán được một bức nào. Thỉnh thoảng ngủ mơ ba Nó vẫn rao lanh lảnh “Tranh đẹp đây! Có ai mua không”? Má nó nằm bên cạnh, xót xa, những giọt nước mắt cứ lăn dài trên đôi má gầy gò. Má thương ba vì phải lo cho bốn cái mồm há hốc mỗi ngày và thế là ý định đi buôn bán bắt đầu nảy sinh.

(Ảnh sưu tầm)

Nhà Nó nằm gần Ga Sài Gòn, chỉ cách vài bước chân, nên má Nó đánh liều thử vận may, tập tành buôn gánh bán bưng, biết đâu có thể chia sẻ bớt gánh nặng cho ba Nó. Trong khoảng thời gian đó, hàng xóm nhà Nó cũng hay lao xao lắm, họ bàn về việc buôn bán rất rôm rả. Mấy bác hàng xóm qua rủ má Nó đi buông Cau, rồi các loại trái cây… Còn đám con nít tụi Nó thì đi bán trà đá, dây dù buộc võng, quạt giấy… Thấy hàng xóm ùn ùn rủ nhau đi làm, má Nó cũng vui lây và bắt đầu hành trình buôn bán.

(Ảnh sưu tầm)

Tầm khoảng bốn giờ sáng, khi ông mặt trời chưa ló dạng thì má Nó đã thức dậy rồi. Vội vội, vàng vàng cầm cái thúng đầy ắp những quả cam xanh mướt, cùng với các chị em trong xóm đi xuống ga xe lửa, bắt đầu một ngày mới mưu sinh. Có ngày bán liên tục được mấy thúng, má Nó mừng quá trời, nhưng cũng có những buổi cuối ngày, khệ nệ bưng thúng Cam về nhà còn đầy vung mà không nói nên lời nào, trên gương mặt của má, hằn lên là cả sự mệt mỏi và buồn bã. Thương má vất vả, rồi Nó cũng bắt đầu bương chải. Má sắm cho Nó một cái ấm nước nhỏ, chừng 3 lít gì đó. Cho người ta bọc mút đế giữ lạnh được lâu. Còn nhớ ngày đầu tiên, Nó đi theo má, lững thững, cầm cái ấm nước trà đá đi theo sau. Má Nó dặn dò:” Con nhớ bán 200 đồng một ly nhé. Khi nào nghe tiếng còi hú thì phải nhớ xuống xe lửa, nếu không là nó chạy đi luôn đó”. Nó “dạ” một tiếng rõ to và cứ thế tay xách ấm trà đá, leo lên các toa xe lửa, cất tiếng rao thánh thót “Ai mua trà đá không? Nước mát lạnh đây”! Các vị khách nghe thấy tiếng rao thì bắt đầu để ý. “Ê nhỏ, cho chú một ly đi con!”, “Dạ!”. Nói đoạn, Nó nhanh tay rót một ly nước và đưa cho ông ấy. Ông ta cầm lấy, uống một hơi, thế là hết một ly. Có vẻ cơn khát vẫn còn, nên ông khách ra hiệu thêm một ly nữa và cứ thế uống ừng ực. Nó thấy khách thích nên cũng vui không tả, những giọt mồ hôi giữa cái nắng oi ả trở thành những giọt nước mát làm gương mặt Nó sáng bừng, tươi tắn. Nó cầm tiền, vò vò rồi bỏ vào cái túi be bé má Nó khâu cho. Hôm đó, Nó bán được lắm và miệt mài cho đến tận chiều tối. Khi ánh hoàng hôn dần buông xuống, dòng người lên xuống tấp nập, tiếng rao bán hòa lẫn tiếng còi xe lửa tạo nên một thứ âm thanh hỗn tạp khiến Nó không nhận ra rằng xe lửa sắp lăn bánh để đến một nhà ga khác. Nó vẫn cứ mải miết bán. Bỗng một hồi còi hụ dài, cộng theo tiếng các toa chuyển động làm nó giật mình, té xuống sàn. Lúc ấy, Nó mới hoảng hốt nhận ra xe lửa đang dần chuyển động, vội vàng ba chân, bốn cẳng chạy vào đường giữa toa xe, chạy băng băng, chạy thật nhanh để còn kịp xuống tàu mà về với ba má. Nó sợ lắm, vì nếu tàu chạy đi luôn, Nó sẽ phải xa ba má và ngôi nhà nhỏ thân yêu. Cuối cùng, Nó cũng ra được chỗ cánh cửa và xin chú bảo vệ cho xuống. Chú nhìn nó, rồi bảo : “ Ơ! Con bé này, tàu chạy rồi mà mày vẫn còn ở đây à? Xuống ngay!” Nó “dạ”, rồi vội vàng nhảy xuống thật nhanh. Đám đông xung quanh nhìn nó mà ái ngại, xót xa. Đoàn tàu chuyển động nhanh dần và chẳng mấy chốc khuất xa.

Trời đã dần tối, hắt chút ánh sáng nhập nhòe, chiếc xe lửa cuối cùng cũng đã rời khỏi sân ga. Đoàn khách đưa tiễn người thân cũng đã thưa thớt dần, tiếng rao hàng cũng đã lịm tắt từ lúc nào. Nó mệt mỏi, ngồi bệt xuống đất, kết thúc một ngày dài mưu sinh vất vả, bất giác nó cảm thấy cổ họng khô rát. Theo thói quen, Nó cầm ấm lên và rót vào ly, không có giọt nào, những giọt nước cuối cùng cũng đã bán hết cho các hành khách ngày hôm đó mất rồi. Nó hơi hụt hẫng chút nhưng vui vì một ngày “buôn may bán đắt”. Chạy ngay một mạch về nhà, uống ực hết một chai nước thật to, mặt nó tươi rói, hớn hở chìa túi tiền kiếm được cho ba má, nụ cười rạng rỡ của Nó khiến ba má cũng hạnh phúc theo. Ba má ôm Nó vào lòng, khẽ thì thầm vào tai: “Ba má xin lỗi con thật nhiều con gái ạ! Ước gì ba má có nhiều điều kiện hơn để lo cho con.” Nó thấy trong lòng vui vui, rồi lơ mơ ngủ thiếp đi lúc nào không biết…

Cuộc sống là như thế đấy, giữa những mưu sinh gian nan, vất vả, đâu đó là hình ảnh những gia đình nghèo, cơ cực nhưng đầm ấm, cha mẹ luôn chăm chút, bảo bọc, thương yêu con. Vẫn không khó để gặp những em nhỏ chịu thương, chịu khó, giúp đỡ cha mẹ. Vì hoàn cảnh cuộc sống đưa đẩy, cuộc sống các em dù có vất vả mưu sinh nhưng nét hồn nhiên trẻ thơ vẫn mãi hiện diện và đong đầy. Mong sao cho những ước mơ, hoài bão của các em về một cuộc sống tươi sáng, tốt đẹp hơn sẽ được chắp cánh và bay cao, bay xa.

Theresa Quyên

 

Facebook
Twitter
Email

Có thể bạn quan tâm