Cường giáp là một loại bệnh lý gây ra do tuyến giáp hoạt động quá mức, sản xuất quá nhiều hormone Thyroxine. Cường giáp có thể đẩy nhanh quá trình trao đổi chất của cơ thể, gây giảm cân không chủ ý, tim đập nhanh hoặc không đều. Một số phương pháp điều trị có sẵn cho bệnh cường giáp như sử dụng thuốc kháng giáp và iốt phóng xạ để làm chậm quá trình sản xuất hormone tuyến giáp. Đôi khi, phương pháp điều trị cường giáp được đề ra bao gồm phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ hoặc một phần tuyến giáp của bạn. Mặc dù cường giáp có thể nghiêm trọng nếu bạn bỏ qua nó, nhưng hầu hết mọi người đều phản ứng tốt khi bệnh được chẩn đoán và điều trị.
(Ảnh minh họa người khỏe mạnh và người bệnh cường giáp)
Sự khởi phát của bệnh cường giáp thường xảy ra rất chậm, nhưng đôi khi cũng có thể rất đột ngột. Việc tăng tiết hormone tuyến giáp dẫn đến tăng chức năng của nhiều hệ cơ quan, hệ thống tim mạch và thần kinh cơ có khả năng bị ảnh hưởng. Một số triệu chứng tim mạch và dấu hiệu của cường giáp bao gồm tăng nhịp tim ( nhịp tim nhanh), rung nhĩ (nhịp tim nhanh bất thường), đánh trống ngực (tim đập thình thịch do tim co bóp mạnh), khó thở và gặp khó khăn khi tập thể thao. Còn các triệu chứng thần kinh cơ và dấu hiệu của cường giáp bao gồm căng thẳng, tăng động và bồn chồn, lo lắng và cáu kỉnh, mất ngủ, run và yếu cơ. Bên cạnh đó, cần chú ý thêm các triệu chứng phổ biến khác của cường giáp như sụt cân mặc dù có cảm giác thèm ăn ngon miệng hoặc thậm chí tăng lên, đổ mồ hôi nhiều và không chịu được nhiệt, tăng tần suất đi tiêu, chu kỳ kinh nguyệt không đều và giảm lượng máu kinh ở phụ nữ. Cường giáp cũng làm tăng quá trình hủy xương và do đó góp phần gây nên chứng loãng xương. Dạng cường giáp nặng nhất là cơn bão giáp. Tình trạng cấp tính này được đặc trưng bởi nhịp tim rất nhanh, sốt, tăng huyết áp (huyết áp cao) và một số triệu chứng tiêu hóa, thần kinh nhất định, có thể dẫn đến suy tim, hạ huyết áp (huyết áp thấp), sốc và tử vong.
(Các triệu chứng của Bệnh cường giáp)
Bản thân mỗi người cần kiểm tra sức khoẻ thường xuyên, nếu có các dấu hiện của tuyến giáp hoạt động quá mức (cường giáp), phải tìm đến sự thăm khám của bác sĩ ngay. Để chẩn đoán bệnh, ngoài các triệu chứng xuất hiện, bạn sẽ cần làm một số xét nghiệm máu để xác định nồng độ hormone tuyến giáp bao gồm hormone kích thích tuyến giáp (TSH) – một loại hormone được sản xuất bởi tuyến yên (một tuyến ở đáy não) kiểm soát việc sản xuất hormone tuyến giáp, Triiodothyronine (T3) và Thyroxine (T4) là những hormone tuyến giáp chính.
Mức độ hormone tuyến giáp của bạn sẽ được so sánh với mức bình thường một người khỏe mạnh ở độ tuổi của bạn. Mức TSH thấp và mức T3 và / hoặc T4 cao thường có nghĩa là bạn có tuyến giáp hoạt động quá mức, bác sĩ có thể gọi các phép đo này là T3 và T4 “tự do” (FT3 và FT4). Những gì được coi là bình thường thay đổi tùy thuộc vào tuổi của bạn và kỹ thuật xét nghiệm chính xác mà phòng thí nghiệm sử dụng.Nếu nồng độ hormone tuyến giáp của bạn cao, bạn có thể được giới thiệu đến bác sĩ chuyên khoa để làm các xét nghiệm thêm nhằm tìm ra được nguyên nhân cụ thể. Bạn cũng có thể làm một xét nghiệm máu khác để tìm kháng thể kháng tuyến giáp, chúng thường được tìm thấy nếu bạn mắc bệnh Graves, một nguyên nhân phổ biến do tuyến giáp hoạt động quá mức. Một số trường hợp, bác sĩ sẽ chỉ định cho bạn một hình thức kiểm tra khác đó là quét tuyến giáp, phương pháp này có thể được sử dụng để tìm các vấn đề như các khối u (nốt) trên tuyến giáp của bạn. Bạn sẽ được yêu cầu nuốt một lượng nhỏ chất phóng xạ nhẹ, chúng sẽ được tuyến giáp của bạn hấp thụ hoặc cũng có thể được dùng bằng cách tiêm. Sau đó, bạn sẽ được siêu âm để xem lượng chất đã được hấp thụ, kiểm tra kích thước và hình dạng tuyến giáp của bạn.
Bệnh lý cường giáp được xem là một rối loạn mãn tính, thậm chí suốt đời. Nó có thể được điều trị bằng thuốc kháng giáp, iốt phóng xạ hoặc phẫu thuật (cắt bỏ tuyến giáp), trong đó phẫu thuật cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ tuyến giáp. Có ba loại thuốc kháng giáp được sử dụng rộng rãi đó là Methimazole, Carbimazole (được chuyển đổi nhanh chóng thành Methimazole trong cơ thể) và Propylthiouracil. Những loại thuốc này ngăn chặn sản xuất hormone tuyến giáp nhưng không có tác dụng vĩnh viễn trên tuyến giáp hoặc nguyên nhân cơ bản của cường giáp.
(Điều trị cường giáp bằng thuốc).
Bệnh nhân cường giáp do bệnh Graves thường được điều trị bằng thuốc kháng giáp trong một đến hai năm với hy vọng bệnh thuyên giảm và vẫn khỏe mạnh sau khi ngừng thuốc, điều này thành công ở 30 đến 50 phần trăm bệnh nhân. Iốt phóng xạ được tế bào tuyến giáp hấp thụ theo cách tương tự như iốt không phóng xạ, nhưng bức xạ phá hủy tế bào, do đó làm giảm sản xuất hormone tuyến giáp và cũng làm giảm kích thước của tuyến giáp. Nó có hiệu quả cao, nhưng cuối cùng nó dẫn đến suy giáp ở hầu hết bệnh nhân và ở một số bệnh nhân, thậm chí có thể dẫn đến sự phát triển sau này của một số loại ung thư (ví dụ: ung thư vú). Nó phù hợp cho bệnh nhân bị bệnh Graves và là phương pháp điều trị ưu tiên cho bệnh nhân bướu cổ dạng nốt. Việc cắt bỏ tuyến giáp bằng phương pháp phẫu thuật hiếm khi được thực hiện, trừ trường hợp bệnh nhân có bướu cổ lớn. Khi bị viêm tuyến giáp, cường giáp chỉ thoáng qua, thường chỉ kéo dài từ bốn đến sáu tuần hoặc nhiều nhất là hai tháng. Hầu hết bệnh nhân không cần điều trị hoặc chỉ điều trị triệu chứng bằng thuốc đối kháng beta- adrenergic ( thuốc chẹn beta ).
Để phòng bệnh cường giáp và hạn chế diễn tiến của bệnh, người bệnh cần nghỉ ngơi, tránh hoạt động thể lực gắng sức, không hoạt động tinh thần căng thẳng. HIện nay, bệnh lý này khá phổ biển và đang phát triển mạnh có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Vì vậy, khi cơ thể xuất hiện những triệu chứng và dấu hiệu nghi ngờ bệnh cường giáp, bệnh nhân cần đến ngay các cơ sở y tế uy tín, có chuyên môn kỹ thuật cao để được thăm khám và hướng dẫn các phương pháp chữa trị hiệu quả, giảm thiểu những rủi ro có thể xảy ra, bảo vệ sức khoẻ cũng như mang lại cho bản thân một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Dược sĩ Tùng Lê