Search
Close this search box.
Search
Close this search box.

Sài Gòn Sau Dịch Covid Có Nhiều Yêu Thương Hơn

Facebook
Twitter
Email
Thế là đã hơn 3 năm trôi qua. Từ tháng 2/2020, ngay sau Tết âm lịch chúng ta đã nghe đâu đó về một loại virus có khả năng lây nhiễm giống như SARS đã xuất hiện ở Trung Quốc. Lúc dó ở Việt Nam đã cảnh giác cao độ. Tất cả các lễ hội  của mùa xuân năm ấy đều bị hủy. Các biện pháp bảo vệ từ cửa khẩu biên giới, cách ly những người bị nhiễm… được tiến hành một cách triệt để.

Cơn đại dich khốc liệt hơn trí tưởng tượng của loài người rất nhiều lần. Covid kéo dài hơn 3 năm, trên toàn thế giới có 688 triệu người mắc, gần 7 triệu người tử vong. Riêng ở Việt Nam có 11 triệu người mắc, khoảng 43 ngàn người tử vong. Thật là một đại dịch khủng khiếp, cả trăm năm chúng  ta   cũng   chưa  gặp  như  thế  này.

Các y bác sĩ đã không ngại vất vả để chăm sóc các bệnh nhân 

Tuy nhiên, đại dịch qua đi cũng để lại nhiều ký ức đau buồn và những bài học đắt giá và tình yêu thương con người lại càng gắn kết hơn. Biết bao nhiêu ảnh hưởng về kinh tế – xã hội do các biện pháp cách ly cực đoan gây ra, trong đó có những hoàn cảnh rất thương tâm. Như ở công ty tôi,  chỉ cách có mấy ngày tôi  nghe  tin báo  mẹ cô ấy vào bệnh viện do mệt.  Vậy mà  ít ngày sau  tôi đã nghe  tin dữ rằng mẹ cô ấy đã qua đời. Sự sống phút chốc trở nên mong manh, vô thường quá. Sự ra đi của người thân diễn ra rất nhanh chóng, hết sức ngỡ ngàng, trong sự im lặng vô tưởng. Tới giờ nghĩ lại,tôi  vẫn cứ tưởng như là người thân (đi du lịch) đâu đó vẫn chưa về nhà.

Các thiên thần áo trắng trong bộ đồ bảo hộ 

Nhiều người đã nói, sau đại dịch Covid, thế giới đã thay đổi, không còn như trước nữa. Đúng vậy, sau đại dịch Việt Nam cũng đã thay đổi, chúng ta không còn sống như trước nữa. Mà ngược lại tình người, tình xã hội, tình anh em càng khắn khít hơn xưa và cả dân tộc đoàn kết để vượt qua được thử thách của đại dịch. Đó là một  tín hiệu rất khả quan.

Thế là, nhiều bếp cơm từ thiện xã hội được mở ra nhiều hơn để hỗ trợ bà con có bữa ăn sống qua ngày. Dù không thể ngon như những quán khác, nhưng vẫn đầy đủ các món trong phần ăn. Điều đó nói lên tấm lòng và  tình người của người dân Sài Gòn rất  đáng trân quý. Rồi chúng ta đi đường thường hay bắt gặp những tủ kính mi – ca  nho nhỏ, với dòng chữ “bánh mì không bán, lấy đủ dùng để nhường cho người khác”. Tôi thật xúc động khi đọc những dòng chữ trên, mặc dù tôi không đóng góp được gì trong đó. Nhưng tôi nghĩ xung quanh chúng ta đây, vẫn còn biết bao nhiêu mạnh thường quân và những người luôn mở tấm lòng thiện nguyện, họ trao đi những giá trị rất lặng lẽ mà không cần sự phô trương. Có một hôm, tôi đi chợ mua con cá chép  giá 110 ngàn mà trong bóp chỉ còn có 80 ngàn. Anh bán cá không quen biết  mới nói với tôi :”thôi em đưa 80 ngàn cũng được, hôm nào ghé trả anh 30 ngàn sau”. Quen biết gì đâu mà anh lại tốt bụng với tôi như vậy.  Tôi  cảm thấy thật là  ái ngại. Anh ấy không sợ mình xù hay sao nhì?
Trời trưa nắng gắt giữa Sài Gòn, tôi bắt gặp những bình nước đá lạnh được châm đầy nước được để trước cửa nhà ở một số tuyến đường lớn. Nhìn bình nước lạnh tan chảy đá, được các bác chạy xe ôm và các chị lao công ghé lấy ly uống trực tiếp hoặc rót vào ca cho đầy để mang theo. Những hình ảnh trên đọng lại cho tôi nhiều suy nghĩ rất tích cực.

Sài Gòn về khuya phố xá lên đèn rất nhộn nhịp, nhưng những góc hẻm hằng đêm, chúng ta vẫn thấy nhiều người vô gia cư đang ngồi mong ngóng nhóm thiện nguyện nào đó mang đến cho mình món gì lót dạ. Có lúc, họ chờ suốt cả đêm trong ngậm ngùi. Nhưng cứ định kỳ mỗi tháng 4 lần, vào khuya thứ bảy, hàng trăm người vô gia cư ở Sài Gòn chắc chắn có một tô cháo nóng hổi đủ dinh dưỡng từ CLB Sài Gòn Thương.
Nhóm trên gồm 30 thành viên, họ gồm các học sinh, sinh viên và các bạn trẻ làm nhiều công việc khác nhau chung tiền, góp sức nấu hàng trăm tô cháo đi tặng người vô gia cư. Có lúc các thành viên đi phát nhiều nơi, khuya quá. Họ bắt gặp một số người già đang say giấc, các thành viên đến nhẹ nhàng đặt tô cháo ở vị trí dễ thấy nhất để sáng mai thức dậy họ lấy lót dạ. Trong khi đó, những người còn thức, được trao tận tay tô cháo, và các thành viên có thể nán lại vài phút trò chuyện tâm tình.

Vâng, tóm lại có ai nói rằng “Sài Gòn không thiếu tiền.” nói xuôi hay nói ngược đều được. Bởi nói xuôi thì rằng Sài Gòn là đầu tàu kinh tế cả nước. Nói ngược là bởi Sài Gòn còn rất còn nhiều phận đời lầm lũi. Nhưng Sài Gòn sau dịch covid càng thêm cái tình giữa người với người, tràn ngập yêu thương và ấm áp biết dường nào.

Nguyễn Sang

Facebook
Twitter
Email

Có thể bạn quan tâm