Trong quá trình sinh ra và lớn lên, chúng ta ít nhiều đều gặp phải những chấn thương tâm lý với nhiều mức độ ảnh hưởng khác nhau. Đáng chú ý, khi đứng trước sang vềchấn tinh thần, mỗi người lại có một kiểu phản ứng điển hình khác nhau và thường rất khó để điều chỉnh.
Luôn bật chế độ ‘phòng vệ’
Hậu tổn thương tâm lý, con người thường dễ rơi vào trạng thái căng thẳng triền miên. Lúc này, hệ thần kinh trở nên rất nhạy cảm trước các tín hiệu từ bên ngoài, buộc nạn nhân phải nhanh chóng kích hoạt chế độ phòng vệ và sẵn sàng ‘đáp trả’ lại bất cứ dấu hiệu nguy hiểm bất thường nào.
Nạn nhân của sang chấn thường nhạy cảm và luôn đề cao cảnh giác
Tình trạng vô thức đề cao cảnh giác này có thể diễn biến phức tạp hơn nếu tình huống gây sang chấn vô tình được tái hiện lại. Phản ứng cơ bản nhất là sự hoảng loạn, lo âu, thậm chí ‘tự đóng cửa’ và tự cô lập mình trong một vùng an toàn nhất định.
Có cái nhìn tiêu cực về mọi chuyện
Không chỉ để lại những tổn thương sâu sắc về tâm lý, sang chấn còn trực tiếp ảnh hưởng đến góc nhìn cũng như cách nhận thức của chúng ta về thế giới xung quanh. Điều này khiến nạn nhân dần hình thành và duy trì một thái độ có phần tiêu cực, phiến diện khi nghĩ về những chuyện đang xảy ra.
Hậu quả của sang chấn là những góc nhìn tiêu cực và phiến diện
Biểu hiện phổ biến nhất là họ thường xuyên hướng bản thân đến những viễn cảnh tồi tệ nhất, ví dụ như ‘mối quan hệ này rồi sẽ chẳng đi về đâu’ hay ‘nếu mình chẳng thể nào vượt qua chuyện này’. Lối tư duy cực đoan này sẽ cắt đứt kết nối của họ với những hy vọng và niềm tin tốt đẹp, từ đó làm cho mọi chuyện ngày càng khó kiểm soát hơn.
Cảm xúc bị tê liệt
Theo các nghiên cứu khoa học, khi phải trải qua chấn thương tâm lý kéo dài, các tế bào trong cơ thể rất dễ bị kiệt quệ và mệt mỏi. Khi đó, cơ thể sẽ buộc phải sử dụng đến cơ chế ‘tắt nguồn’ nhằm ứng phó với các nguyên nhân gây căng thẳng.
Vô cảm là một phản ứng thường gặp hậu sang chấn tinh thần
Trong nhiều trường hợp, nạn nhân thường xuyên cảm thấy trống rỗng và gần như không thể xác định được cảm xúc hiện tại. Sang chấn gián tiếp xây lên một bức tường ngăn cách họ với những niềm vui, mối quan hệ hay mối bận tâm trước đó. Hậu quả khó tránh khỏi là xu hướng vô cảm, tiêu cực cũng lớn dần theo.
Kiểm soát thái quá
Một hệ lụy tiêu biểu mà sang chấn gây ra ở nhiều người là nỗi bất lực và ám ảnh quá mức, khiến nạn nhân ngày càng khao khát sự kiểm soát trên mọi phương diện. Hành vi thiết lập nên các ranh giới có thể mang lại cho họ cảm giác an toàn nhất định, đồng thời góp phần giảm bớt nguy cơ tái diễn lại những ký ức không vui. Tuy nhiên, chúng ta lại thường không nhận thức được rằng nỗi sợ mới chính là động cơ đang đứng sau ‘đạo diễn’ cho động thái này.
Cảm giác thiếu an toàn là nguyên nhân dẫn đến khao khát kiểm soát quá mức
Mong muốn làm hài lòng người khác
Bên cạnh cơ chế ‘chiến, chạy hay đóng băng’ thì mong muốn làm hài lòng người khác cũng là một phản ứng tâm lý thường xảy ra ở những người bị sang chấn. Việc liên tục bị ‘tấn công’ bởi các mối quan hệ độc hại đã khiến cho khả năng phản kháng lành mạnh của họ bị vô hiệu hóa, thậm chí sẵn sàng gạt bỏ mọi mong muốn cá nhân để cảm thấy được an toàn.
Nhiều người đối phó với nỗi bất an bằng cách tìm kiếm sự chấp nhận từ người khác
Cố gắng thoát ra khỏi sang chấn bằng mọi cách
Như chúng ta đã biết, cả việc sống chung lẫn đối diện với những tổn thương là điều không hề dễ dàng. Do vậy, để không phải trải qua cảm giác đau đớn như hiện tại, nhiều người đã quyết định cầm cự bằng giải pháp thoát ly và vùi đầu vào các thú vui khác nhau.
Đắm chìm vào những thú vui hưởng thụ là một cách thoát ly tổn thương quen thuộc
Với mục đích đánh lạc hướng bản thân, họ có thể đưa ra một số lựa chọn điển hình như: chơi game, cày phim, đi du lịch hoặc đắm chìm trong quá khứ. Tiêu cực hơn là tình trạng lạm dụng rượu bia, bài bạc và các chất kích thích nguy hiểm.
Hành xử liều lĩnh, bốc đồng
Mang trong mình nỗi đau chưa được xử lý, nạn nhân của sang chấn tâm lý thường khiến người khác e dè bởi những hành động có phần liều lĩnh, bốc đồng và bất chấp hậu quả. Thế nhưng, đối với bản thân người trong cuộc, đây lại là một cách giải tỏa cảm xúc tức thời có thể làm họ phút chốc ‘rời mắt’ khỏi những bất an đang đè nén.
Nạn nhân của sang chấn tâm lý có xu hướng hành động thiếu kiểm soát
Cụ thể hơn, khả năng suy nghĩ bị ảnh hưởng bởi căng thẳng có thể dẫn họ đến xu hướng tự hại, rối loạn ăn uống, đập phá đồ đạc, phụ thuộc vào các chất kích thích cũng như quan hệ tình dục bừa bãi, không an toàn,…
Có thể nói, việc phải trải qua và chịu đựng những vết thương tâm lý là điều nằm ngoài mong muốn của tất cả mọi người. Tuy nhiên, thay vì buông xuôi hi vọng, hãy nhớ rằng quá trình nhận thức được các phản ứng điển hình như trên cũng chính là bước đầu của hành trình chữa lành sang chấn, góp phần xây dựng nên một phiên bản cá nhân hoàn thiện hơn.
Huyền Long