Search
Close this search box.
Search
Close this search box.

Tìm Hiểu Trang Phục Truyền Thống Đặc Trưng Của 3 Vùng Miền

Facebook
Twitter
Email

Trải qua hành trình hơn 4000 năm văn hiến, dân tộc Việt Nam không chỉ tự hào vì dòng chảy lịch sử hào hùng mà còn bởi một nền văn hóa đa dạng và mang đậm dấu ấn Á Đông. Bên cạnh những điểm nhấn về phong tục tập quán, mỗi vùng miền lại sở hữu kiểu trang phục truyền thống riêng biệt, bao hàm bản sắc cũng như chuẩn mực về nét đẹp đặc trưng.

Trang phục truyền thống miền Bắc

Được xem như ‘cái nôi’ nuôi dưỡng nền văn hóa thuần Việt từ buổi đầu dựng nước, có thể nói, các tỉnh thành miền Bắc chính là nơi khởi nguồn cho quá trình hình thành và cách tân trang phục truyền thống trên phạm vi cả nước. Trong đó, Áo Dài khăn đóng và Áo Tứ Thân chính là hai loại trang phục truyền thống đại diện cho khu vực này.

Áo dài, khăn đóng

Ra đời từ thời chúa Nguyễn Phúc Khoát, áo dài – khăn đóng đã trải qua nhiều ‘phiên bản’ cách tân trước khi trở thành ‘quốc phục’ của nam giới Việt Nam. Ban đầu, trang phục này vốn chỉ dành riêng cho vua chúa và giai cấp quý tộc, tuy nhiên về sau đã được lưu truyền rộng rãi trong mọi tầng lớp người dân.

Ảnh: Internet

Dù đã từng có một thời kỳ rất thịnh hành nhưng cho đến ngày nay, Áo dài – khăn đóng đã và đang mất dần vị thế, chỉ còn xuất hiện trong các lễ hội, chương trình văn hóa hoặc nghệ thuật tuồng chèo.

Áo tứ thân

Tương truyền, tiền thân của Áo Tứ Thân vốn là trang phục mà Hai Bà Trưng đã mặc trong trận chiến với quân nhà Hán. Mãi đến năm 1600, thiết kế này mới bắt đầu được tinh chỉnh để phù hợp với những người phụ nữ thuộc tầng lớp cao quý. Tên gọi Tứ Thân được dựa trên cấu trúc đặc sắc của chiếc áo: bên trong là yếm đào và bên ngoài là áo khoác với 4 tà riêng biệt.

Ảnh: Internet

Tương tự như Áo dài – khăn đóng, Áo Tứ Thân hiện nay gần như đã bị lãng quên đáng kể, không còn thông dụng trong đời sống đương thời.

Trang phục truyền thống miền Trung

Kín đáo, mềm mại nhưng cũng đầy quyến rũ, Áo dài không chỉ là trang phục truyền thống của miền Trung nói riêng mà còn vinh dự trở thành quốc phục của người phụ nữ đất Việt. Theo các nghiên cứu lịch sử, phiên bản sơ khởi của Áo dài được cho là Áo Ngũ Thân, ra đời vào năm 1744. Ngày nay, danh tiếng của Áo dài đã vượt ra khỏi biên giới nội địa, trở thành một trong những biểu tượng hàng đầu của đất nước Việt Nam.

Ảnh: Internet

Trang phục truyền thống miền Nam

Với thiết kế đơn giản và thoải mái, Áo bà ba từ lâu đã được xem là trang phục truyền thống vùng Nam Bộ, gắn liền với hình ảnh thuần chất của người nông dân miền sông nước. Mặc dù không có ghi chép chính thức nào về nguồn gốc xong một vài giả thuyết cho rằng Áo bà ba lần đầu tiên xuất hiện dưới thời Hậu Lê và là biến thể từ trang phục của người dân tộc Chăm. Bên cạnh đó, nguồn tin khác lại khẳng định chiếc áo này đã được Trương Vĩnh Ký cách tân từ thường phục của người dân Penang (Malaysia) vào thế kỷ XIX.

Ảnh: Internet

Có thể nói, mặc dù có sự khác biệt đáng kể về nguồn gốc và kiểu dáng song nhìn chung, trang phục truyền thống của 3 miền đều có điểm chung là sự đơn giản, lịch sự và gói gọn những giá trị văn hóa tiêu biểu. Hi vọng rằng bài viết sẽ mang đến một cái nhìn tổng quan cho bạn đọc, từ đó trang bị thêm những kiến thức hữu ích về văn hóa – lịch sử của dân tộc.

Huyền Long

Facebook
Twitter
Email

Có thể bạn quan tâm

Mới cập nhật

Phần 6 Nghệ Thuật Giao Tiếp – Tiếp Theo

Sản Phẩm Lọc Độc Glutathione – Sản Xuất Tại Hoa Kỳ 100%