Tuổi thơ ai không một lần ngây ngô hát vang những bài ca trung thu đã vốn quen thuộc trong ngày trăng tròn. Lũ trẻ chúng tôi những năm ấy cứ đến ngày đến giờ và đúng mùa trăng thì lại nghêu ngao: ” Tết trung thu em rước đèn đi chơi. Em rước đèn đi khắp phố phường. Lòng vui sướng với đèn trong tay. Em hát ca dưới ánh trăng rằm. Tùng dinh dinh cắc tùng dinh dinh…Em rước đèn mừng đón chị Hằng.
Lời bài hát đơn giản là thế đấy. Chúng đeo đuổi chúng tôi cho đến ngày hôm nay khi lũ con nít ngày xưa giờ đã thành cha thành mẹ và có khi cũng đã lên hàng ông bà rồi không chừng nhỉ! Sau giờ tan tầm, tôi chạy về nhà như thường lệ trên những con đường thân thuộc. Ấy vậy mà hôm nay bầu không khí lạ hẳn. Đường phố đông nghẹt kẻ qua người lại, những chiếc xe cứ thế nối đuôi nhau khiến đoạn đường ngắn thường ngày nay trở nên dài ngoằn ngoẵn. Tôi đi ngang qua Công viên Lê Thị Riêng hay nó còn một cái tên rất ư là trẻ con đó là Công viên Thỏ Trắng, nơi những cô bé, cậu nhóc luôn vòi vĩnh bố mẹ cho đi chơi vào mỗi dịp cuối tuần hoặc vào các dịp lễ hội. Trên những chiếc xe máy bây giờ là các gia đình hạt nhân gồm bố mẹ và con, rồi các cặp tình nhân tuổi “teen” tay đan tay dắt nhau bước vào công viên. Các cô gái còn cầm theo một chiếc lồng đèn được đan bằng mây tre lá, trên đó có gắn hình một chú thỏ đồ chơi rất đáng iu.
Các cô gái còn cầm theo một chiếc lồng đèn được đan bằng mây tre lá, trên đó có gắn hình một chú thỏ đồ chơi rất đáng iu. Nguồn ảnh: Internet
Rồi tiếp tục bon bon trên đường, tôi lại bắt gặp các cô, cậu bé dung dăng với chiếc lồng đèn bằng điện tử, có phát đèn và cả những bài hát về trung thu nghe rất vui tai và an toàn cho trẻ nhỏ. Khác với tôi ngày xa xưa ấy. Tôi còn nhớ mỗi dịp trung thu đến, chúng tôi những đứa con nít trong xóm túm tụm lại tìm những chiếc lon “Li-go”, sau đó sẽ đục lỗ và tạo một chỗ cắm đèn cày để thắp sáng. Trông nó ngồ ngộ và rất thú vị. Những chiếc lon ấy được xếp thành một hàng dài nối đuôi nhau. Chúng tôi vừa đi vừa hát nghêu ngao: “…Tùng dinh dinh cắc tùng dinh dinh. Em rước đèn mừng đón chị Hằng…”. Thỉnh thoảng một cơn gió thổi qua làm tắt đi những ánh nến khiến cả đám dừng lại, châm lại cho nó cháy và tiếp tục di chuyển vòng quanh khu xóm. Đó là những chiếc lồng đèn được tự chế của đám con trai xóm tôi. Còn đám con gái thì lấy các chiếc đũa ăn cắt nhỏ ra, rồi dùng giấy báo để dán và tạo ra chiếc lồng đèn ông sao 5 cánh. Tôi chắc chắn một điều là đứa nào cũng làm được và cũng đều bị ba má la vì dám lấy đũa ăn trong nhà ra làm. Bây giờ nhắc lại tôi còn đang nhoẻn miệng cười “hihi”!. Rồi tôi nhớ lúc đi cùng lũ bạn rước đèn, tôi chẳng may bị cái đèn cầy nghiêng qua và ngay lập tức nó cháy bùng lên. Mấy đứa đi kế tôi sợ quá, tụi nó tụm lại đập lấy đập để cái lồng đèn của tôi, cốt để nó không bị cháy lan ra những chỗ khác. Nhưng than ôi, các bạn biết không cái lồng đèn tôi chăm chút làm mất cả mấy ngày trời giờ đây chỉ còn là những thanh tre bị gãy, nồng nặc mùi giấy khét. Tôi khóc và chạy về nhà, rồi nói với má về chiếc lồng đèn bị cháy. Má xoa đầu, không sao đâu con gái. Má sẽ giúp con làm cái mới nhé! Con nhỏ tui mỉm cười nhẹ và khẽ gật đầu.
Chiếc lồng đèn ngôi sao nhỏ xinh – Ảnh từ Internet
Chiếc lồng đèn bằng lon Ligo rất sáng tạo – Ảnh Nguoiaolam.net
Trung thu của chúng tôi còn có cả những chiếc bánh be bé được làm rất công phu với những hình hài của các con heo, con cá với đủ loại nhân như đậu xanh, đậu đỏ, dừa… Bỏ vào miệng, cắn một miếng thì chỉ còn lại một nữa cái bánh. Nghe thấy mùi vị hạt dưa bùi bùi, mùi đậu xanh quyện với đường ngọt ngào lắm lắm. Hết bánh nướng rồi tới bánh dẻo. Loại nào chúng tối cũng có thể thưởng thức mà không phải tốn quá nhiều tiền. Trong khi đó, ngày nay việc thưởng thức bánh trung thu đã trở thành một mặt hàng xa xỉ, vì giá thành rất cao. Nó chỉ được mua để tặng, để biếu chớ không mua để tự thưởng thức. Vị bánh ngày nay cũng đã khác đi rất nhiều. Tôi không còn ngửi thấy hương vị ấm nồng của những ngày xưa ấy.
Những chiếc bánh cá thật đáng iu – Ảnh từ Internet
Những chiếc bánh hình chú heo con mũm mĩm, trông thật đáng iu
Hôm nay, trăng trung thu cũng đến nhưng nó đã thay đổi rất nhiều. Vẫn còn đó những con đường quen thuộc, những góc phố rước đèn nhưng ánh trăng dường như đã mờ dần bởi những gì được gọi là văn hóa cũng ngày một xói mòn. Tôi tự hỏi không biết chú Cuội và chị Hằng có còn đó bên cây Đa hay không? Khóe mắt tôi lại thấy cay cay khi nghĩ về những ngày trung thu năm ấy.
Teresa Quyên