Search
Close this search box.
Search
Close this search box.

XU HƯỚNG THƯỞNG THỨC ẨM THỰC CHAY CỦA GIỚI TRẺ

Facebook
Twitter
Email

Trong thời đại hiện nay, nhất là sau đại dịch, vấn đề về sức khỏe đã và đang là nằm trong top được nhiều người quan tâm nhất. Như vậy, để có một sức khỏe dẻo dai cùng một trí tuệ minh mẫn thì chúng ta nên chọn dùng những loại thực phẩm nào cho phù hợp? Và nếu như trước đây, các món chay chỉ được dùng trong các dịp lễ đặc biệt của Phật giáo như Lễ Phật Đản, Lễ Vu Lan, Lễ Thượng Nguyên… thì ngày nay, các món chay lại được các bạn trẻ tìm kiếm để thưởng thức trong đời sống thường ngày, và coi đó như một cách thưởng thức sự tinh tế trong ẩm thực,cũng như đem đến sự bình an trong tâm hồn mình.

(Nguồn: sưu tầm)

Theo quan niệm của Phật giáo, ăn chay là nuôi dưỡng phát thiện, phát triển tình yêu thương rộng lớn với con người và vạn vật, bởi thế ăn chay cũng là một cách biểu hiện lòng trân trọng với sự sống. Dù không phải là một người theo bất kỳ tín ngưỡng nào, giới trẻ ngày nay vẫn lựa chọn ẩm thực chay như một cách để nâng cao sức khỏe và tu dưỡng chính bản thân mình, nhiều bạn trẻ chọn ăn chay chỉ đơn giản theo sở thích ăn uống, để thấy tâm hồn nhẹ nhàng hơn, cõi lòng thấy thanh thản hơn. Đi dọc theo lãnh thổ hình chữ S, bạn sẽ lại cảm nhận những nét đặc trưng riêng về ẩm thực chay ở từng vùng miền.

Với người Bắc Bộ, các món ăn rất được chú trọng bởi những loại gia vị khác nhau, tạo nên một nét riêng không thể lẫn vào đâu. Món chay miền Bắc luôn có sự hài hòa, tinh tế, không quá cay như món Trung hay vị ngọt của Nam Bộ. Tại miền Bắc, bạn có thể dễ dàng bắt gặp những quán phục vụ ẩm thực chay ở trung tâm thủ đô hay những nơi như Phú Thọ, Ninh Bình, Thanh Hóa,…

Nguyên liệu để làm ra các món chay thường là các sản vật từ thiên nhiên như rau củ, trái cây và đặc biệt là đậu phụ. Điểm đặc biệt trên mâm cỗ chay mà chúng ta dễ dàng nhận ra là sự hiện diện của những màu sắc tượng trưng cho ngũ hành. Bên cạnh các món chay truyền thống như bánh đúc lạc, xôi, giò lụa chay, đậu hũ chay… các món chay ngày càng được sáng tạo để hướng tới cách chế biến công phu, ngon và đẹp mắt, khiến người thưởng thức luôn tìm thấy nhiều cảm giác thú vị.

Ẩm thực chay của người miền Trung là mang một nét riêng, vừa truyền thống vừa hiện đại bởi những phương thức chế biến được biến tấu nhằm tạo ra các món ăn lạ miệng, độc đáo. Miền Trung là vùng eo của tổ quốc luôn phải hứng chịu không biết bao nhiêu thiên tai mỗi năm, chính vì vậy mà người dân nơi đây rất coi trọng từng sản vật quê hương.

Văn hóa ăn chay tại miền Trung thể hiện sự hài hòa giữa bản sắc món ăn cung đình nhã nhặn kết hợp cùng phong cách đường phố. Nói đến ẩm thực chay tại miền Trung, người dân sẽ nghĩ ngay đến các nhà hàng, quán ăn của xứ Huế. Đây là một trong những cái nôi xuất xứ về ẩm thực chay ở Việt Nam.

Xuất phát từ sự cởi mở, hiếu khách của người miền Nam đã đi vào trong từng món ăn chay. Dù không có một truyền thống lâu đời như miền Bắc và miền Trung nhưng văn hóa ăn chay nơi đây lại vô cùng phong phú, đa dạng. Nói đến miền Nam thì ẩm thực chay Cần Thơ được xem như là góc thu nhỏ của cả khu vực. Hầu hết các nhà hàng chay tại đây đều phục vụ tất cả các món ăn của người Nam Bộ.

Bên cạnh đó, việc ăn chay của người Nam Bộ còn tiếp thu nền văn hóa từ các dân tộc khác như Khơme, Chăm và một phần của người Trung Hoa nên các món ăn đều mang những nét đặc trưng riêng. Sự kết hợp giữa nét truyền thống từ các vùng miền khác với một số quốc gia lân cận đã cho ra đời nền ẩm thực chay Nam Bộ độc đáo, thu hút hàng ngàn thực khách từ mọi nơi.

(Nguồn: sưu tầm)

 Khoa học đã chứng minh, việc ăn chay rất tốt cho sức khỏe, tăng cường sinh lực, cung cấp đầy đủ năng lượng và cân bằng một cách hài hòa các chất dinh dưỡng trong cơ thể. Ngoài ra, ăn chay còn giúp tránh tối đa các chứng bệnh nguy hiểm như viêm khớp, tim mạch, tăng huyết áp… Vì vậy, việc ăn chay được nhiều quốc gia trên thế giới khuyến khích. Mặt khác, trong đồ ăn chay có ít cholesterol, ít axit béo, nhiều vitamin, có tác dụng chống ôxy hóa nên các món chay rất thích hợp cho những ai muốn có vóc dáng thon gọn.

Các bạn trẻ tìm đến món chay với nhiều mục đích khác nhau. Người thưởng thức đồ chay như một nét ẩm thực đặt biệt; người ăn chay để hướng tới sự cân bằng, thanh thản trong tâm hồn; ăn chay để bảo vệ, giữ gìn sức khỏe khi có ngày càng nhiều bệnh tật đeo bám con người; ăn chay để bảo vệ môi trường, bảo vệ những loài sinh vật đang dần bị mai một…

Ăn chay cũng là một sự trải nghiệm, là để lắng nghe những câu chuyện về Phật pháp, về nhân quả của con người. Lắng nghe để cảm nhận, để chiêm nghiệm lại cuộc đời, chiêm nghiệm bản thân. Từ đó tìm cho mình một con đường đi đúng đắn hơn, làm tâm hồn trở nên thanh sạch hơn. Đó là những điều mà có lẽ không có nét văn hóa ẩm thực nào làm được ngoài văn hóa ăn chay. Vượt qua cả những giá trị của văn hóa ẩm thực, món chay còn bao hàm cả giá trị của văn hóa tín ngưỡng, văn hóa tâm linh của dân tộc Việt Nam.

(Nguồn: Sưu tầm)

 Ngày nay, các món chay đã xuất hiện ngày một nhiều hơn trong những bữa cơm của gia đình Việt từ bắc vào nam. Giới trẻ cũng đã tiếp cận với văn hóa ăn chay, khái niệm ăn chay không còn trở nên lạ lẫm với những người trẻ tuổi. Họ tìm đến những bữa cơm chay với một sự tò mò để rồi dần dần những bữa ăn chay đã trở thành thói quen lành mạnh bảo vệ sức khoẻ, nuôi dưỡng tâm hồn và thưởng thức nền ẩm thực chay đầy phong phú và thú vị. Ước mong quý bạn đọc sẽ tìm thấy cho mình những thực đơn ăn chay bổ dưỡng qua bài viết này, cùng chia sẽ kinh nghiệm bản thân để có được nguồn sức khỏe dồi dào nhất nhé.

Jollie Uyen

Facebook
Twitter
Email

Có thể bạn quan tâm

Mới cập nhật